Nhiếp ảnh gia Miguel Hahn và Jan-Christoph Hartung đã có chuyến du ngoạn Đông Nam Á và "thu hoạch" cả... rổ hình vô cùng đặc sắc về hàng giả tại các quốc gia này. Theo tờ Guardian đăng tải bài báo của bộ đôi tác giả, thời trang cao cấp "giá chợ" dường như đã hòa quyện vào nhịp thở của người dân.
Miguel và Jan đã ghé thăm Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tại đây, bộ đôi tác giả đã nhận thấy có một phong cách ăn mặc trên đường phố rất đặc trưng, gọi là "thời trang xa xỉ pha-ke". Nhiều người chơi hàng giả các nhãn hiệu như Gucci, Louis Vuitton, Christian Dior hay Prada...
"Gucci" ở Việt Nam hay Lào đôi khi cũng như đồ đổ đống?!
Tại Việt Nam, không khó để thấy những người bán hàng rong mặc quần dài và áo sơ mi dài tay được trang trí bằng những logo từ các nhà mốt sang trọng. Ở chợ Campuchia, người bán cá mang theo ví Gucci; trên cánh đồng lúa, mấy bác nông dân đội mũ che nắng Balenciaga.
Nhiều nơi khác, các bà mẹ cho con mình mặc váy Louis Vuitton giả.
Hàng giả có ở khắp mọi nơi, từ các trung tâm mua sắm, chợ đêm và thậm chí cả trong các cửa hàng nhỏ trên phố. Khách hàng của những sản phẩm "pha kè" không chỉ gói gọn người dân địa phương mà còn có nhiều khách du lịch châu Âu và Mỹ.
Đối với nhiều người, mua hàng nhái các thương hiệu nổi đình đám rất đơn giản. Đôi lúc, mặc quần áo mang xì tai như trên còn được xem là hành động khẳng định bản thân và sự thăng tiến trong xã hội. Thậm chí, các logo của những nhà mốt này còn truyền tải được cảm giác uy tín, bất luận không phải là hàng chính hãng.
Thông thường, hàng giả không phải là bản sao chính xác của bộ sưu tập gốc. Chúng chỉ đơn giản là những thiết kế được in logo lên bề mặt chất liệu. Những sản phẩm này thường kết hợp các loại vải địa phương, giá rẻ. Có khi còn là sự "giao thoa" giữa hoa văn truyền thống và logo các thương hiệu phương Tây cao cấp, tạo nên phong cách đường phố độc đáo.
Nhiều người dân ở nông thôn thậm chí không biết mình đang sử dụng hàng giả. Họ chẳng rành rọt về các thương hiệu đắt tiền. Mọi thứ đơn giản đến mức là chúng xuất hiện trên những kệ đồ, sào phơi bên đường và giá rẻ.
Riêng một số người, họ coi hàng nhái là cách "nâng tầm phong cách" hoặc cải thiện địa vị xã hội. Họ có thể tỏ vẻ giàu có, dù không thực sự là vậy.
Để bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình, các nhãn hiệu thời trang cao cấp đã thực hiện các biện pháp quyết liệt như xử lý hàng cũ (như tiêu hủy) để tránh mọi sự mất giá.
Trong khi đó, khía cạnh đạo đức và tính bền vững của hàng nhái cũng khiến không ít người tiêu dùng thời gian qua phải chú ý, khi ngày càng có nhiều tranh cãi xảy ra. Bất chấp những thách thức, sức hấp dẫn của thời trang xa xỉ giả ở Đông Nam Á vẫn rất mạnh mẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận