Cách đây vài ngày, phim Kiều đã công bố Cao Thái Hà vào vai Hoạn Thư. Đồng thời, phim cũng công bố tạo hình của nhân vật này. Ngay lập tức, nhiều khán giả khá bức xúc với cách tạo hình này. Họ cho rằng, trang phục với danh phận tiểu thư nhưng lại có nhiều chi tiết giống phi tần.
Bên cạnh đó, thiết kế trang phục cũng mắc nhiều tranh cãi như: Cầu vai của người Nhật, sự mâu thuẫn thời đại trong ý tưởng thiết kế... Nàng Kiều thì mặc đồ nhà Minh nhưng Hoạn Thư lại đội mấn, món trang phục bắt đầu thịnh hành từ đời vua nhà Nguyễn.
Sau thời gian im lặng, mới đây, đạo diễn Mai Thu Huyễn đã chính thức chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Cười Online về vấn đề tạo hình trang phục của Hoạn Thư. Cô cho biết: "Thứ nhất, như chúng tôi đã từng chia sẻ, Kiều không phải là bộ phim chuyển thể, mà chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ngay từ đầu, chúng tôi đã lựa chọn thể loại Cổ trang- Fantasy để ê-kíp có thể sáng tạo mà không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể.
Điều này không chỉ thể hiện ở tạo hình nhân vật (hóa trang - phục trang), mà cả về bối cảnh, tình huống, màu sắc, âm nhạc... nữa. Khác với văn học, điện ảnh có ngôn ngữ thể hiện riêng. Vì vậy, phim không thể là phép so sánh 1:1 với nguyên tác và tất nhiên là sẽ có sự sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh để phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt Nam thời nay.
Thứ hai, phần trang phục của phim được lấy ý tưởng từ thời Lê – Nguyễn. Ở giai đoạn này, bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu trang phục khác nhau và các bộ váy áo đã thể hiện được nét văn hóa riêng. Những bộ trang phục của phụ nữ thời kỳ này có nhiều lớp áo mang nhiều màu sắc khác nhau, đặc trưng nhất vẫn là phần ống tay rộng.
Bên cạnh đó, ê-kíp thiết kế phục trang đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết như: váy dập li, bờm cài đầu, phom áo tứ thân, áo giao lĩnh cách điệu, yếm cách điệu, cổ sơ mi và tay sơ mi cho nam... Màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đã được ê-kíp cân nhắc kỹ lưỡng với mục đích thể hiện được tinh thần của tổng thể bộ phim, tạo sự khác biệt về địa vị xã hội, quan hệ giữa các nhân vật, đồng thời bám sát tính cách, tâm lý từng nhân vật theo tiến trình phát triển câu chuyện. Điều này khán giả sẽ nhận thấy khi xem trọn vẹn bộ phim.
Thứ ba, khi làm phim cổ trang Việt sự so sánh trang phục này, chi tiết kia… là giống phim Trung Quốc, Nhật hay Hàn cũng có thể xảy ra. Ai cũng biết rằng, sự giao lưu văn hóa, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước phương Đông là điều tất yếu. Thậm chí nếu dòng phim cổ trang Việt phát triển, tạo được dấu ấn riêng thì khán giả các nước kia cũng có thể so sánh tương tự.
Thứ tư, đối với nghệ thuật thì mỗi người mỗi cảm nhận, do đó cùng một bộ trang phục trong mắt người này có thể xấu nhưng lại đẹp trong mắt người khác là chuyện bình thường. Ê-kíp luôn chân thành tiếp thu và lắng nghe những đóng góp của khán giả để tạo ra một tác phẩm chỉn chu và gần gũi nhất với khán giả".
Mai Thu Huyền cho biết thêm: "Có lẽ do sơ sót của chúng tôi là ngay từ đầu không nói rõ về thể loại phim là Cổ trang- Fantasy, không lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể nên khán giả chưa hiểu về quan điểm sáng tác của chúng tôi và chỉ so sánh với nguyên tác nên mới có phản ứng như vậy.
Kiều là một dự án phim lớn, được đầu tư quy mô với sự tham gia của thành phần ê-kíp gần 100 con người nên khâu chuẩn bị tiền kỳ được chúng tôi chuẩn bị kỹ càng, gần một năm trời và từng chi tiết đều được ê-kíp cân nhắc với mục đích thể hiện được tinh thần của tổng thể bộ phim. Trong một tác phẩm điện ảnh, phục trang chỉ là một phần nhỏ, còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên chất lượng của bộ phim. Chúng tôi hy vọng rằng khán giả sẽ không vì việc này mà không ủng hộ bộ phim".
Ngoài Mai Thu Huyền, nhà thiết kế Thủy Nguyễn và diễn viên Cao Thái Hà (người đóng vai Hoạn Thư) từ chối nói về vấn đề trang phục vì cho rằng, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim đã đại diện nói những điều cần thiết nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận