Điện ảnh Việt những năm gần đây rất da dạng về đề tài và thể loại. Trong đó, phim cổ trang luôn nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng đến giới phê bình.
Sự quan tâm có từ khi các dự án mới bắt đầu từ giai đoạn tuyển chọn diễn viên (casting) cho đến thiết kế phục trang, âm nhạc... Gần đây, hai dự án đang trong quá trình sản xuất là Quỳnh hoa nhất dạ và Kiều cũng đã một lần nữa dấy lên những tranh cãi chưa có hồi kết về phục trang cho các nhân vật chính. Mới nhất là làn sóng tranh luận về bộ trang phục màu vàng của Thúy Kiều trong dự án điện ảnh Kiều do Mai Thu Huyền là đạo diễn.
Đạo diễn Mai Thu Huyền: Chấp nhận làm người tiên phong đưa Kiều lên màn ảnh
Phim Kiều là dự án thu hút sự quan tâm vì đây là phiên bản điện ảnh đầu tiên của tác phẩm văn học kiệt xuất được đưa lên màn ảnh rộng. Thế nhưng, ngay từ những thông tin đầu tiên, êkip phim đã vấp phải hàng loạt những ồn ào. Ban đầu là việc sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với mốc lịch sử, sau đó lại là những ồn ào xung quanh tạo hình và phục trang của nhân vật nữ chính.
Cụ thể, trong poster Thúy Kiều - nhân vật chính của phim (do Trình Mỹ Duyên thủ vai) vừa được êkip tung ra tiếp tục vấp phải những tranh cãi về màu sắc của trang phục. Theo đó, Thúy Kiều mặc chiếc áo màu vàng trong bối cảnh cổ trang được xem là chi tiết khá nhạy cảm. Vì đây là màu sắc chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa và thường dân tuyệt đối không được sử dụng, nếu có sẽ bị khép vào trọng tội.
Liên lạc với đạo diễn Mai Thu Huyền, Tuổi Trẻ Cười Online đã nhận được những chia sẻ về chi tiết “kỹ nữ mặc hoàng bào” trong tấm poster về Thúy Kiều của phim và các chi tiết gây tranh cãi gần đây.
Theo đó, Mai Thu Huyền khẳng định: "Dự án điện ảnh Kiều được làm theo thể loại cổ trang - fantasy và lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du chứ không phải thể loại phim chuyển thể như các thông tin được báo chí đăng tải trước đó.
Với dòng phim cổ trang - fantasy này, êkip Kiều không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể như dòng phim chính sử. Vì vậy, nghệ sĩ trong êkip có cơ hội phát huy sức sáng tạo tốt nhất, không chỉ về tạo hình nhân vật (hóa trang, phục trang) mà cả về bối cảnh, tình huống, màu sắc và âm nhạc… Chúng tôi hi vọng những sáng tạo này sẽ tạo nên những điều mới mẻ, thú vị cho khán giả khi thưởng thức bộ phim".
Nói về lựa chọn diễn viên là một gương mặt mới mẻ sở hữu nét đẹp hiện đại đảm nhận vai Thúy Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền tâm sự: “Khi đọc những câu thơ của Nguyễn Du mô tả về nàng Kiều mỗi người sẽ có một tưởng tượng khác nhau. Vì vậy, quá trình tìm kiếm nàng Kiều cũng là một thử thách rất lớn.
Rất may, tôi tình cờ gặp Trình Mỹ Duyên và thấy bạn ấy có ngoại hình khá phù hợp với nhân vật Thúy Kiều mà tôi hình dung nên ngỏ ý mời bạn ấy đến thử vai. Mặc dù chưa qua một trường lớp đào tạo diễn xuất nào nhưng ngay từ lần đầu tiên thử vai, Duyên đã gây ấn tượng tốt với tôi về khả năng biểu cảm và cảm xúc chân thật của bạn ấy. Sau đó tôi gặp Duyên trao đổi thêm nhiều lần nữa và cuối cùng đã quyết định chọn bạn ấy vào vai Thúy Kiều”.
Phim Kiều được nhận định là dự án nặng ký, nhiều thử thách với bất kỳ nhà làm phim nào. Chia sẻ quyết định thực hiện một dự án khủng trong lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn, Mai Thu Huyền nói: “Tôi biết trước tôi có rất nhiều nghệ sĩ khao khát đưa "Kiều" lên màn ảnh. Rất nhiều người nói tôi liều lĩnh khi quyết định lựa chọn "Kiều" là bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn, nhưng tôi lại nghĩ đây là thời điểm phù hợp nhất để thực hiện bộ phim này. Động cơ lớn nhất thúc đẩy tôi phải làm "Kiều" bằng được chỉ đơn giản là tôi nghĩ tại sao một tác phẩm hay như vậy mà đến bây giờ vẫn chưa được đưa lên phim. Tôi chấp nhận là người tiên phong với mong muốn mang đến cho khán giả một món ăn lạ chưa có ai khai thác” .
Tuy nhiên, phim Kiều không phải là trường hợp đầu tiên của dòng phim cổ trang khiến khán giả tranh luận gay gắt. Trước Mai Thu Huyền, từng nhiều nhà sản xuất, đạo diễn dành tâm huyết cho thể loại này.
Nhà sản xuất phim Thanh Thúy: Làm phim cổ trang cái gì cũng phải đúng
“Khó nhất là đúng về chi tiết, trang phục cũng phải đúng. Không nói riêng về phim cổ trang, ở bất kỳ thể loại nào các chi tiết, dù là nhỏ nhất cũng phải được chú trọng như nhau.
Thúy từng làm phim Trạng Quỳnh và ngay từ khi ấp ủ ý tưởng Thanh Thúy và êkip phải trăn trở nhiều. Từ ý tưởng kịch bản đến hình tượng nhân vật phải làm sao cho ra được đúng “chất" của Trạng Quỳnh - một người thông minh, ghét tham quan ô lại.
Tất nhiên, mình vẫn chọn làm kiểu fantasy để có điểm khác biệt và hấp dẫn người xem nhưng vẫn phải giữ được phẩm chất tiêu biểu của nhân vật.
Khi kịch bản Trạng Quỳnh hoàn tất, Thúy phải gửi nhờ giáo sư sử học Lê Văn Lan - chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lịch sử và có danh tiếng lớn trong lĩnh vực này - để bác có thêm chỉnh sửa, góp ý cho đúng với giai đoạn lịch sử đó.
Tuy nhiên, bất kỳ tác phẩm nào cũng sẽ có khen chê, ý kiến này nọ. Thanh Thúy chọn bình tĩnh lắng nghe, cái nào đúng mình tiếp thu, cái nào sai thì chọn bỏ qua".
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Thương và lo cho nhà làm phim cổ trang
Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn phim cổ trang Mỹ nhân kế, thừa nhận: “Cổ trang là một đề tài rất khó. Khó vì tốn kém, vì người làm phim thiếu nhiều kinh nghiệm và hay bị soi xét mọi khía cạnh.
Một phần do khán giả Việt được xem quá nhiều phim cổ trang hoành tráng bậc nhất của thế giới rồi nên sẽ có sự so sánh. Phần khác các nhà nghiên cứu phim nghiệp dư hay chuyên nghiệp cũng luôn soi xét, đòi hỏi ở phim những cái họ nghĩ mà điều kiện của ta có giới hạn.
Nhưng nếu nhà làm phim nào cũng sợ những điều này thì không ai dám làm, mà không làm thì sẽ không có chuyện phát triển được.
Tôi từng làm dòng phim này rồi, nên giờ thấy ai làm cũng đều đặt hy vọng, cũng thương và lo. Thương là họ chịu nhiều áp lực, lo vì phim cổ trang rất tốn kém. Còn đã chọn nghề làm phim thì yếu tố nào cũng làm chúng tôi đau đầu như nhau cả thôi".
Các nhà sản xuất và đạo diễn luôn có lý lẽ của mình. Nhưng công chúng lại là người quyết định thành - bại của bộ phim. Hãy chờ xem "canh bạc" phim Kiều lần này ai sẽ là người chiến thắng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận