Trạm hoạt hình

Khi đế chế streaming rung chuyển: Ngành anime Nhật Bản đòi lại quyền làm chủ thế cờ

HÀ TRÂM

Đăng lúc 16:01 | 14/05/2025

Từ một giấc mơ toàn cầu, độc quyền anime đang dần trở thành cơn ác mộng kéo tụt tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản. Và giờ các studio Nhật quyết định tự đứng lên đòi lại quyền làm chủ, quyền lan tỏa, và cả khán giả quốc tế.

Một thời kỳ hoàng kim… với chiếc vòng kim cô mang tên "độc quyền"

Trong 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy ngoạn mục của anime. Từ những tựa phim "ngách", anime giờ đây trở thành văn hóa đại chúng toàn cầu góp mặt ở Oscar, cháy vé rạp tại Mỹ, và chiếm lĩnh hàng triệu fan trên Netflix.

Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy là một nút thắt nghẹt thở: khi những ông lớn như Netflix, Crunchyroll trở thành "người gác cổng", anime bị nhốt trong hệ sinh thái độc quyền, còn các studio Nhật Bản… mất dần tiếng nói trên chính sản phẩm của họ.

anime - Ảnh 1.

Độc quyền streaming - lợi bất cập hại cho anime Nhật

Trong giai đoạn bùng nổ, các nền tảng như Netflix từng "vung tiền" mạnh tay để giữ bản quyền độc quyền: chỉ có thể xem trên nền tảng của họ. Ban đầu, điều này có vẻ hời vì các studio sẽ nhận được một khoản tiền khủng, không cần nhức đầu với chuyện marketing hay phân phối.

Nhưng thực tế phũ phàng dần hiện ra:

1. Khóa chặt khán giả, hạn chế sức lan tỏa

Một anime dù hay đến đâu, nếu chỉ xuất hiện trên một nền tảng nhất định thì rất nhiều khán giả sẽ không bao giờ biết đến nó vì… họ không có (hoặc không muốn trả tiền cho) nền tảng đó. Hệ quả là khán giả phân mảnh, fandom rời rạc, và cơ hội viral toàn cầu bị đánh mất.

2. Thiếu minh bạch dữ liệu - các studio bị "bịt mắt"

Netflix nổi tiếng với việc không chia sẻ dữ liệu người xem chi tiết theo khu vực. Điều đó khiến các nhà sản xuất như Toho, Kadokawa không biết anime của họ được xem ở đâu, bao nhiêu, ai xem, và vì sao người ta yêu thích. Không dữ liệu, không tối ưu, không tương lai.

3. Trả phí một lần - studio không hưởng được thành công lâu dài

Dù một anime có đạt top trending toàn cầu, số tiền mà các studio Nhật Bản nhận vẫn chỉ là khoản phí cố định ban đầu. Không có doanh thu bổ sung từ lượt xem, không có ăn chia từ sản phẩm ăn theo. Nói một cách thẳng thừng thì quyền lợi không tương xứng với công sức sáng tạo.

anime - Ảnh 2.

Khi các studio tự giành lại quyền kiểm soát

Không còn cam chịu nữa, Toho, Kadokawa và nhiều ông lớn khác đang lặng lẽ nhưng rất quyết liệt thay đổi cuộc chơi.

Toho tung đòn phản công chiến lược khi không bán gộp toàn cầu nữa, thay vào đó chia nhỏ thị trường theo khu vực để linh hoạt kiểm soát. Đồng thời mua lại GKIDS (một nhà phân phối phim hoạt hình lớn tại Mỹ) đã giúp Toho tự đưa phim ra rạp và phát hành đĩa Blu-ray (Jujutsu Kaisen: Hidden Inventory).

Và dùng Toho International để phân phối My Hero Academia: You're Next, không cần qua Crunchyroll.

Còn Kadokawa, họ đã tự mở văn phòng ở nước ngoài. Thay vì giao mọi việc cho đối tác, họ tự vận hành cấp phép IP và merchandise ở nước ngoài, chủ động hơn trong chiến lược toàn cầu.

Một số hãng còn phát hành anime trên YouTube miễn phí có phụ đề, như REMOW's It's Anime hay Anime Times Channel. Dù không mang lại doanh thu lớn, nhưng đây là cách tái định vị thương hiệu và xây dựng fandom quốc tế từ gốc.

anime - Ảnh 3.

Tương lai anime sẽ phân mảnh 

Thay vì tất cả đều bị "quây rào" trong một nền tảng duy nhất, ngành anime đang hướng đến mô hình đa kênh - đa dạng - minh bạch: Chiếu rạp (với các phim bom tấn), YouTube miễn phí để nuôi fandom, Phát hành blu-ray có phụ đề nhiều ngôn ngữ, streaming linh hoạt trên nhiều nền tảng

"Phân mảnh là cái giá phải trả cho tự do. Nhưng tự do ấy sẽ giúp anime phát triển lành mạnh hơn bao giờ hết" - trích lời một nhà phân phối tại Los Angeles.

Người hâm mộ anime được gì?

Được nhiều! Quyền lợi trước mắt là sẽ không cần đăng ký 3, 4 dịch vụ mới xem đủ bộ. Mỗi tựa anime có thể xuất hiện ở nhiều nơi như rạp, online, blu-ray và ai cũng có cơ hội tiếp cận.

Fandom quốc tế dễ tương tác, cùng đẩy sức lan tỏa cho một tựa phim hot. Và trên hết: anime sẽ không còn bị "bóp nghẹt" trong hệ sinh thái khép kín nữa.

anime - Ảnh 4.

Một kỷ nguyên mới của anime đang bắt đầu

Đây không phải là lời từ biệt với Netflix hay Crunchyroll. Nhưng rõ ràng, Nhật Bản không còn muốn "bán đứt" anime của mình cho bất kỳ ông lớn nào nữa. Họ muốn dữ liệu, muốn kiểm soát, và quan trọng nhất: muốn khán giả toàn cầu có thể tiếp cận anime một cách công bằng, rộng rãi và không rào cản.

Và nếu điều đó thành hiện thực - chúng ta, những người yêu anime, sẽ là người được lợi nhiều nhất.

Khi đế chế streaming rung chuyển: Ngành anime nhật bản đòi lại quyền làm chủ thế cờ - Ảnh 5.Vì sao cả thế giới 'phát cuồng' vì anime? (phần 1) Khi đế chế streaming rung chuyển: Ngành anime nhật bản đòi lại quyền làm chủ thế cờ - Ảnh 6.Vì sao cả thế giới 'phát cuồng' vì anime? (phần 2) Khi đế chế streaming rung chuyển: Ngành anime nhật bản đòi lại quyền làm chủ thế cờ - Ảnh 7.'Công chúa Mononoke' và cái giá suýt phải trả của Ghibli
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình