Những ngày qua, câu chuyện về một người đàn ông bị tai nạn giao thông bất tỉnh lan truyền rộng khắp mạng xã hội, không chỉ gây xôn xao mà còn "hút" được nhiều tràng cười vì tính hy hữu của nó.
Theo đó, người đàn ông sau khi được một câu lạc bộ hỗ trợ sự cố giao thông đưa đến bệnh viện, gọi cho người thân nạn nhân thì cả vợ và người yêu cùng đến.
Câu chuyện này sau đó được nhiều nhóm cộng đồng khác chia sẻ rầm rộ, thậm chí còn "được thêm mắm giặm muối" để hài hước hơn, với minh họa là hình ảnh được tạo bởi AI.

Bài đăng lại trên các hội nhóm mạng xã hội thu hút tương tác "khủng", sau khi được "thêm mắm giặm muối" - Ảnh chụp màn hình
Thực hư câu chuyện "Chồng cấp cứu, vợ và người yêu cùng vào chăm"
Thực tế câu chuyện ban đầu được đăng tải trên fanpage Bà Rịa Youth, thuộc chuỗi "những chuyện khó xử" của Câu lạc bộ SOS 72 (Câu lạc bộ hỗ trợ sự cố giao thông miễn phí) đăng tải.
Cụ thể câu chuyện nguyên bản có nội dung: "Anh trai bị tai nạn giao thông cũng nhẹ thôi, nhưng bất tỉnh. Vào cấp cứu, anh em câu lạc bộ tìm người thân cho anh, gọi một hồi thì chắc do số anh tốt, nên câu lạc bộ gọi được cả vợ và người yêu anh lên luôn". Dòng trạng thái này không đính kèm hình ảnh minh họa.
Phía dưới phần bình luận, fanpage kể thêm: "Hai chị em gặp nhau, không một lời chửi mắng, người thì lau mặt, người thì đứng nhìn. Vết thương anh cũng nhẹ thôi, do say quá, ngủ một chút.
Chắc sáng mai tỉnh dậy anh chỉ ước được ngủ lại, chứ cái cảnh này khéo 2 chị cho anh chuyển lên khoa chấn thương chỉnh hình luôn".

Bài đăng gốc trên fanpage Bà Rịa Youth không nêu chi tiết thông tin, cũng như không có hình ảnh minh họa bằng AI đính kèm - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên ở những câu chuyện đã được "biến tấu" thành phiên bản khác, nội dung có thay đổi khi nói rằng sự việc xảy ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, hình ảnh minh họa cho thấy một người đàn ông nằm trên giường, cạnh bên có một phụ nữ đang lau mặt, trước giường có một phụ nữ khác đứng nhìn. Trong phòng có chữ "cấp cứu".
Từ nội dung này, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu phòng, ban chuyên môn nắm lại thông tin để "phúc đáp dư luận". Nếu xét đây là trường hợp hư cấu thì phối hợp cơ quan chức năng để xem xét sự việc theo quy định pháp luật.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải thích có văn bản trên vì thông tin nói việc xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại có chữ "cấp cứu" nên cần xác minh chính xác.
Trả lời với Tuổi Trẻ Cười, anh Nguyễn Tấn Phúc (thành viên Câu lạc bộ SOS 72) xác nhận câu chuyện đăng tải trên fanpage Bà Rịa Youth dựa vào một câu chuyện có thật từ nhiều năm trước.
Anh và các thành viên câu lạc bộ chỉ muốn chia sẻ câu chuyện (đã thêm một số từ ngữ hài hước) nhằm mục đích tích cực, xua tan không khí nặng nề sau một tuần đối mặt với nhiều ca tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Anh Phúc cho biết thêm câu chuyện vui đã bị "xào nấu" và minh họa bằng AI bởi nhiều nhóm cộng đồng, trang mạng xã hội khác, nhưng lại trích nguồn Câu lạc bộ SOS 72.
Tuy nhiên, anh Phúc chỉ mới nhận được thông tin về việc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu xác minh vụ việc, nhưng chưa nhận được thư mời làm việc.
Anh Phúc cho biết sẵn sàng phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu cần làm rõ thêm các chi tiết, vì đây là câu chuyện có thật. Trước khi đăng tải, phía fanpage Bà Rịa Youth cũng không mô tả chi tiết cá nhân hoặc xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức nào.
Phản ứng trước vụ việc, cư dân mạng cũng chia phe tranh cãi trái chiều.
Tài khoản Nguyễn Ngân nhận định: "Từ câu chuyện không có gì đặc biệt, cho đến khi 'giang cư mận' nấu món... hầm bà lằng. Ngán 'giang cư mận' quá xá".
Đồng tình với ý kiến trên, tài khoản Nkoc Li viết: "Nấu nồi canh ăn cho mát, mấy anh chị trên mạng người tí muối, tí đường, tí bột ngọt tùm lum. Giờ nó thua nồi cám heo luôn?!".
Trong khi đó, bạn đọc Khánh An thắc mắc: "Thế này thì có vi phạm pháp luật đâu mà phải xác minh?".
Còn bạn đọc Tấn Lộc đưa ra giải pháp: "Nên xử lý người đã đưa hình ảnh lên truyền thông, vì xâm phạm đời tư người khác khi chưa được phép. Việc họ có tình cảm thế nào là việc của họ. Nếu họ không yêu cầu pháp luật xử lý thì không nên làm hộ, làm giùm để câu view, câu like và ảnh hưởng đến đời sống của họ".
Một người nữa chia sẻ: "Chuyện này tôi cũng từng trải qua, nhưng chắc là vợ hoặc bồ khả năng là không biết đối phương đang ở đó".
Tài khoản Chelsea Duy lập luận: "Đáng lẽ sự việc này phải do Sở Thông tin và Truyền thông xác minh mới đúng chứ ta? Liên quan gì đến Sở Y tế nhỉ? Nếu có xác minh, trừ khi phải có nguyên đơn? Khi không chỉ vì một câu chuyện chưa rõ thực hư trên mạng, mà cũng chẳng ai khiếu nại lại đi xác minh làm gì cho tốn thời gian?!".
Cuối cùng, trong khi các bên còn đang xác minh thực - hư, có lẽ điều rõ ràng nhất là mạng xã hội nên là nơi xuất hiện những câu chuyện "chỉ vui thôi, chứ đừng vui quá".
Câu lạc bộ SOS 72 được thành lập vào năm 2019 với mục đích thiện nguyện nhằm trợ giúp bơm, vá xe, tặng xăng miễn phí cho người không may gặp sự cố trên đường, cũng như tổ chức thêm việc vận chuyển người bị tai nạn đến bệnh viện và hỗ trợ xe đưa người tử vong về nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận