Theo trang Sinchew, ngày 8-6 vừa qua, Trung Hạo Bân - một người mẫu tự do đến từ Quảng Châu (Trung Quốc), nhận được lời mời sang Thái Lan chụp hình tạp chí từ một người từng hợp tác. Anh nhanh chóng bay đến sân bay Don Mueang (Bangkok, Thái Lan) và sau đó được một chiếc xe Toyota đón đi tỉnh Tak, khu vực giáp biên giới với Myanmar.

Trung Hạo Bân hiện đã mất tích sau khi dính bẫy "việc nhẹ, lương cao".
Nam người mẫu dính bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ngày 13-6, Hạo Bân bất ngờ gọi video về cho chị gái với vẻ mặt hoảng loạn. Anh nói mình đã bị lừa đưa sang Myanmar và hiện đang bị giám sát. Trong cuộc gọi ngắn ngủi, anh kể có người theo sát và đe dọa anh phải "giữ miệng cho kỹ". Sau đó, gia đình hoàn toàn mất liên lạc.
Người thân nghi ngờ Trung Hạo Bân đang bị giam giữ tại thị trấn Myawaddy, vốn là điểm nóng của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia tại Myanmar. Họ đã báo vụ việc cho cảnh sát Quảng Châu và cả phía Thái Lan.
Cả hai nơi đều đã mở hồ sơ điều tra về hành vi giam giữ người trái phép. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar xác nhận đang theo dõi tình hình, song thừa nhận việc xác định vị trí nạn nhân gặp nhiều khó khăn vì địa bàn phức tạp.
Bi kịch nối tiếp bi kịch, bởi chỉ hai tháng trước, cha của Trung Hạo Bân - trụ cột tài chính duy nhất của gia đình, đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Người mẹ hiện gần như suy sụp hoàn toàn sau cú sốc mất chồng rồi đến con trai mất tích.
Vụ việc của Hạo Bân gợi nhớ đến câu chuyện của diễn viên Vương Tĩnh, người từng bị lừa sang Myanmar với lời mời đóng phim, để rồi rơi vào tay các băng nhóm tội phạm và chỉ được giải cứu sau nhiều tháng bị giam giữ.
Bạn gái của Vương Tĩnh - Jia Jia, đã lên tiếng sau sự việc của Trung Hạo Bân, kêu gọi mọi người đừng chủ quan khi nhận các lời mời làm việc ở nước ngoài, dù từ người quen giới thiệu.
"Đừng giao giấy tờ cho ai giữ. Đừng tin ai hứa hẹn quá dễ dàng. Và nhất định phải xác minh thông tin từ nhiều nguồn trước khi ra quyết định", Jia Jia viết trên mạng xã hội.
Dù đã nhiều lần được cảnh báo, các vụ lừa bán lao động sang Myanmar, Campuchia hay Lào vẫn liên tiếp xảy ra, nhắm vào người trẻ, đặc biệt là những ai có ngoại hình, kỹ năng hoặc hoàn cảnh khó khăn. Chỉ một lời mời gọi hấp dẫn như chụp ảnh, quay video, làm việc nhẹ... cũng đủ khiến nhiều người rơi vào bẫy.
Giống như Trung Hạo Bân, họ không ngờ rằng chuyến đi để "đổi đời" có thể lại là hành trình không hẹn ngày về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận