Nhìn lại chặng đường của BTS, ARMYs không khỏi tự hào bởi hiếm có nhóm nhạc Hàn Quốc nào được công chúng lẫn giới chuyên môn nghệ thuật phương Tây đón nhận nồng nhiệt như thế.
BTS phá vỡ định kiến của phương Tây về “robot biết hát”
Giáo sư Suk-young Kim - Trưởng bộ phận nghiên cứu sân khấu và biểu diễn tại Đại học California (Mỹ), tác giả cuốn sách K-pop Live (2018) - nhận xét rằng ngành công nghiệp âm nhạc ở Hàn Quốc không đơn thuần chỉ có âm nhạc.
Nó đòi hỏi ca sĩ hoàn thiện thêm khả năng nhảy, đọc rap, thời trang, cá tính và nền tảng truyền thông. Hầu hết ngôi sao bắt đầu sự nghiệp với tư cách thực tập sinh, dành nhiều năm rèn luyện để trở thành nghệ sĩ toàn diện trước khi ra mắt công chúng.
Tuy nhiên, mô hình tưởng chừng hoàn hảo này trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến người phương Tây chỉ trích K-pop. “Nghệ sĩ giống như robot được sản xuất hàng loạt”, giáo sư Kim giải thích.
Giữa thế giới K-pop bị xem là chỉ toàn “robot biết hát”, BTS cố gắng mang đến cảm giác chân thực, giúp người hâm mộ hình dung thần tượng của mình là những nghệ sĩ có hiểu biết và sâu sắc.
Nhóm nhạc chia sẻ hành trình nghệ thuật thông qua các cuộc trò chuyện cởi mở. 7 chàng trai tận dụng tốt các mạng xã hội đang lớn mạnh như: Twitter, phương thức livestream (phát trực tuyến) trên Youtube hay nền tảng truyền thông riêng Weverse do công ty Big Hit Entertainment thành lập.
Thậm chí, BTS còn tạo ra Bangtan Universe (Vũ trụ BTS) với 7 nhân vật hư cấu, xuất hiện xuyên suốt trong MV, sách, truyện tranh... của nhóm.
Ngay từ ngày đầu ca hát, BTS hạn chế tối đa việc tham gia show truyền hình thực tế dành cho nghệ sĩ ở Hàn Quốc, nơi người chơi thường bị đặt vào tình huống khó xử.
Thay vào đó, nhóm tự sản xuất chương trình riêng mang tên Run BTS!. Trải qua hơn 100 tập phát sóng, khán giả nhìn thấy 7 chàng trai trong diện mạo đời thường nhất. Chương trình tập trung khắc hoạ sâu sắc tình bạn giữa các thành viên, hoàn toàn không có kịch tính hay xung đột.
Trong đời sống nhạc pop phương Tây, mạng xã hội và truyền hình thực tế đóng vai trò quan trọng. Cardi B thể hiện cá tính gai góc trong show thực tế Love & Hip-hop: New York, trò chuyện thẳng thắn với người hâm mộ trên Instagram. Ariana Grande hay Taylor Swift công khai chia sẻ hình ảnh và quan điểm cá nhân.
Tương tự, BTS sở hữu “công thức” riêng để kể câu chuyện đời thường của mình. Giáo sư Suk-young Kim phân tích thêm, nhiều người có thể cho đây chỉ là dàn dựng, nhưng không thể phủ nhận rằng nhóm nhạc Hàn Quốc rất thành công trong việc đối thoại với khán giả.
Giữ vững tư duy âm nhạc và truyền tải thông điệp ý nghĩa
Nhiều năm trôi qua, BTS không còn xuất hiện trong trang phục và kiểu tóc hầm hố như thời mới ra mắt. Độ nổi tiếng của các chàng trai cũng nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc để phủ sóng khắp thế giới. Nhưng có một thứ chưa từng thay đổi, đó là tư duy âm nhạc của nhóm.
Album Map of the soul: 7 là minh chứng cho thấy BTS trung thành với thứ âm nhạc khởi đi từ chính mình và gần gũi với thế hệ trẻ, nhưng có khả năng chạm đến cảm xúc người nghe khắp thế giới.
Nhóm hợp tác cùng triết gia Carl Jung để sáng tác 7 ca khúc riêng biệt, mỗi bài ứng với câu chuyện cuộc đời của một thành viên, truyền cảm hứng về con đường nỗ lực khẳng định bản thân, hoàn thiện ước mơ.
Đĩa đơn Dynamite và Life goes on gửi gắm thông điệp lạc quan, khích lệ tinh thần mọi người giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đã “làm mưa làm gió” toàn cầu.
Không chỉ viết nhạc có chiều sâu, BTS còn tự hào thể hiện chúng bằng ngôn ngữ Hàn Quốc, dùng chính thứ tiếng mẹ đẻ để gây tiếng vang ở những thị trường rộng lớn như Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh thông điệp ý nghĩa, âm nhạc của BTS chứa đựng một yếu tố khác mà người phương Tây đề cao. Đó là tính “mộc” được tạo nên từ những bài hát do nghệ sĩ tự sáng tác và thể hiện bằng nhạc cụ.
Album Folklore của Taylor Swift với chất nhạc indie folk nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng lẫn giới chuyên môn. Thành công của Justin Timberlake hay Ed Sheeran cho thấy, bất kỳ ai cũng có thể toả sáng với âm nhạc, chỉ cần ước mơ và cây đàn guitar làm nên giai điệu acoustic.
Dưới góc nhìn này, BTS dễ dàng tạo thiện cảm với khán giả quốc tế, bởi mỗi thành viên đều tự mình tham gia vào khâu sản xuất, thay vì xuất hiện cùng đội ngũ hùng hậu phía sau.
Đơn cử như album BE có Jungkook đạo diễn MV chủ đề Life goes on, Jin chịu trách nhiệm về trang phục, V thiết kế bìa album…
Trong poster quảng bá sản phẩm, 7 chàng trai tạo dáng bên nhạc cụ bằng gỗ, gợi khung cảnh studio cổ điển. Ngoài ra, BTS quay video hậu trường bàn bạc ý tưởng album và quá trình luyện tập của cả nhóm. Đây là thứ bản sắc chân thực mà khán giả phương Tây hào hứng chào đón.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận