Chuyện cổ tích chỉ kể rằng, khi cặp đôi nhân vật chính kết hôn, họ sẽ mãi bên nhau hạnh phúc. Thế nhưng, chuyện cổ tích lại không nói sau đó, họ sống thế nào và những gì diễn ra thường nhật sẽ được giải quyết ra sao.
Bởi cổ tích sẽ vẫn mãi là cổ tích! Sẽ luôn là những hình ảnh đẹp tuyệt vời, ước lệ cho các happy ending. Trong khi đó ở thực tế, các cặp đôi, vợ chồng phải vật lộn với cuộc sống, cơm áo gạo tiền sau nụ cười hạnh phúc của ngày tân hôn.
Thậm chí, ở một đất nước trọng lễ nghĩa như Việt Nam ta, các cặp đôi còn cần thực hiện thêm những "quy định bất thành văn". Nhất là vào mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người không chỉ tất bật chuẩn bị đón chào một năm mới đang đến mà chuyện tiền nong, quà cáp để biếu cho gia đình hai bên nội ngoại cũng được nhắc đến nhiều hơn. Thậm chí, nhiều cặp đôi còn tranh cãi nảy lửa vì "bên trọng bên khinh", bên anh được nhiều bên em hưởng ít.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, càng gần kề Tết, những dòng trạng thái xoay quanh chủ đề này xuất hiện không ít, thu hút sự chú ý của dân mạng.
Nếu kinh tế dư dả, mọi chuyện sẽ không cần phải quá đến mức "cân đong đo đếm" để khiến bất kỳ ai phải nhận lấy tổn thương. Tuy nhiên, tình hình kinh tế năm vừa qua chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19, khiến không ít doanh nghiệp quyết định "cắt thưởng" cho nhân viên. Thậm chí, những ai đứng ra làm chủ cũng phải chịu lao đao ít nhiều khi "thấm đòn" từ tác động của dịch bệnh.
Thế nên, Tân Sửu càng gần kề thì túi tiền đã vốn eo hẹp hơn mọi năm lại càng teo tóp. Cực chẳng đã, các hội nhóm lại trở thành nơi mọi người "xả" những nỗi niềm của mình, đưa chuyện biếu Tết bên nhà ngoại, nhà nội lên mạng để nhờ tìm cách giải quyết.
Tài khoản Quang Thanh cho hay: "Bố mẹ nào cũng là bố mẹ. Mình ăn Tết bên nội thì cùng nhau sắm sửa chung với ông bà nội. Trong khi đó, bên ngoại sẽ tự sắm Tết nên sẽ tốn kém hơn chút đỉnh. Vậy thì "khéo co thì vừa ấm", bên nội mình gửi ít hơn chút, bên ngoại mình biếu thêm chút là đủ hợp tình hợp lý. Cãi nhau qua lại cũng chẳng hay!".
"Mừng Tết theo khả năng của bản thân và mua ít quà để biếu lấy thảo. Bố mẹ nào chả mong con hạnh phúc. Tết nhất suy nghĩ nhiều quá lại nặng đầu nhỉ?!", bạn Ngọc Hoài bình luận.
"Biếu bố mẹ là ở tấm lòng, có ít biếu ít có nhiều biếu nhiều. Bố mẹ cho con cái chả thấy cân đo đong đếm, mà các bạn cho bố mẹ lại mang ra để cân đo. Sau này con cái các bạn nữa, tất cả đều từ tấm lòng, đừng đem đong đếm", tài khoản Thị Hà bức xúc.
Một số ý kiến cũng đề xuất, thay vì biếu tiền thì quà Tết tự làm là một ý tưởng khá hay ho nhất là trong thời điểm này hoặc cực kỳ phù hợp với gia đình có kinh tế không mấy dư dả. Một hộp bánh mứt hay sự quan tâm đến gia đình - bằng việc sửa chữa vật dụng hay mua sắm vài ba thứ thiết yếu cho nhà nội, nhà ngoại là đã thể hiện sự thành tâm, hiếu thảo. Hơn nữa "của cho không bằng cách cho", nếu cứ mãi lấn cấn, đong đếm vật chất thì chẳng còn gì là ý nghĩa khi Tết vẫn luôn mang đậm tinh thần sum họp, hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận