1. REM, pha thử thách
Giấc ngủ diễn ra theo hai phiên NREM và REM đảo pha liên tục trong đêm. Trong đó REM là phiên ngủ mà các chỉ số huyết áp, nhịp tim, sóng não gặp nhiều xáo động. Do đó, bất trắc giấc miên trường nếu có, thường nhắm vào ca này hơn cả. REM chiếm khoảng 25% giấc ngủ, nghĩa là hằng đêm chúng ta có chừng ¼ thời gian “mong manh” trước an nguy.
2. Sát thủ trong giấc ngủ
REM dù gì chỉ là dự phóng, còn có hẳn một thứ được phong là “sát thủ trong giấc ngủ”, tức hội chứng ngưng thở lúc ngủ/OSA. OSA là hiện tượng ngưng thở kéo dài hơn 10 giây, lặp đi lặp lại, có khi buộc người choàng dậy. Liên tục bị OSA ngắt dòng oxy hằng đêm, tức thì bệ phóng của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đột tử, muộn là tiền đề sinh rối loạn chuyển hóa, tiền/tiểu đường, tăng huyết áp, hen suyễn... Điểm qua vài số má của chứng ngưng thở lúc ngủ làm bằng. OSA làm tăng nguy cơ đột quỵ 2-3 lần, hoặc tăng tỉ lệ đau tim và tử vong 30% trong vòng 4-5 năm .
3. Ngáy là con chú con bác
Ngưng thở lúc ngủ hầu hết do đường thở bị chèn nghẽn bởi các khối “xâm lấn” như amidan quá phát, lưỡi to, hàm nhỏ, mô mềm xung quanh “béo phì”. Dễ nhận ra, OSA cùng bệnh sinh với ngáy. Ngáy thường được xem là kẻ cáo giác OSA, nhiều ca cùng một giuộc.
4. Tự thú trước bình minh
Gần nhưng không thể nhận ra OSA trong đêm. OSA chỉ tôi ở bụi này sáng hôm sau qua bộ dáng bơ phờ, thiếu ngủ, rã người, dù cả đêm pho pho. Ba mặt một lời thường khổ chủ phải nhờ đến đa ký giấc ngủ (PSG), với các cảm biến gắn sẵn cho biết số lần OSA cũng như lượng oxy máu. Đừng đùa với ngài “sát thủ màn đêm” này, bởi chúng cực giỏi giả nai như những cơn kéo gỗ hay khò khè ở trẻ con
5. Nhồi máu cơ tim góa phụ
Cho những ai “có tật giật mình”, còn phải kể các kiểu tử vong trong giấc ngủ khác ít gặp.
- Nhồi máu cơ tim góa phụ/widowmaker heart attack/WHA, do tắt động mạch chính 100%, tử vong cao, đến bà vợ có ông chồng dính phải cầm chắc thành góa phụ. Nói vậy, nhưng WHA không chừa đàn ông, đàn bà. Cớ sự không ngoài cholesterol cao, xơ vữa, tiểu đường, béo phì, thuốc lá, lười vận động...
6. Đuối trên cạn
Gọi là đuối phải có nước, nhưng với dry drowning, thì chỉ vài giọt nước lọt vào đường thở, thậm chí ở thanh quản chưa vào phổi, đã gây co thắt, chết ngạt trên giường.
7. Enterovirus D68
EV-D68 là virus có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng về hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vô phương nhận ra lúc nào EV-D68 trở quẻ, dù trước đó, đa phần chúng lành như đếm.
8. Đột tử không rõ nguyên nhân
Hội chứng tử vong về đêm không rõ nguyên nhân/unexplained nocturnal death syndrome/SUNDS, minh họa, một người lên giường và lặng lẽ ra đi trong đêm. Chút giật mình, SUNDS có “cảm tình” với dân Đông Nam Á. Ở Philippines, nó có hẳn tên là bangungut. SUNDS còn bí ẩn, chỉ có 25% được quy cho nhiễm sắc thể. SUNDS xuất kỳ bất ý, thường chỉ đe trước bởi các cơn trống ngực, nhịp nhanh, thoáng ngất, đến ECG cũng thường bị qua mặt...
Đại đa số người ta trở dậy vào sáng hôm sau nguyên đai nguyên kiện, nhưng với ai đó, giấc ngủ kế có thể giấc sau cùng. Trong số những kẻ nhúng tay, non nửa là bất đắc kỳ tử, nhưng nửa còn lại hoàn toàn có thể nắm bắt, như OSA, như nhồi máu cơ tim góa phụ, chỉ là người có chịu nắm hay không mà thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận