Dạo gần đây, cõi mạng lại được phen xôn xao khi đám “pháp sư” AI (trí tuệ nhân tạo) trổ tài vẽ vời, cho ra lò những bức tranh mang phong cách của Studio Ghibli huyền thoại. Điều này đã dấy lên lo ngại về câu chuyện nghỉ hưu của huyền thoại hoạt hình Hayao Miyazaki.

Hayao Miyazaki và hoạt hình Ghibli
Bắt chước vỏ ngoài thì dễ, sao chép “linh hồn” mới khó!
Nhìn qua thì cũng lung linh, màu sắc cũng trong trẻo, nhân vật cũng có nét đáng yêu kiểu Ghibli đấy. Mấy tấm hình này lan truyền nhanh như cách Totoro biến hình, khiến không ít người hâm mộ bắt đầu… giật mình thon thót: “Liệu có ngày đám robot này thay thế luôn cả Hayao Miyazaki và di sản của ông không?”.
Chuyện AI bắt chước phong cách nghệ thuật không mới, như đứa trẻ tập tô màu theo tranh của họa sĩ vậy. Nó có thể tô đúng màu, đúng nét đấy, nhưng cái hồn trong từng bức tranh thì vẫn còn xa vời vợi.
Đúng là AI, với thuật toán và kho dữ liệu khổng lồ, có thể phân tích và tái tạo những yếu tố hình thức của Ghibli: bảng màu đặc trưng (xanh của trời, xanh của lá, nâu của đất…), thiết kế nhân vật mắt to tròn, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng kiểu “ai nhìn cũng muốn bỏ phố về quê”… Nó tạo ra những bức ảnh “trông giống Ghibli”, đủ để khiến người xem thoáng nhìn phải trầm trồ.

Nhưng Ghibli đâu chỉ có thế! Cái làm nên sự vĩ đại, làm nên tượng đài của Ghibli và lão đại Hayao Miyazaki chính là cái chất bên trong. Đó là những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, là những thông điệp sâu sắc về môi trường, chiến tranh, hòa bình được kể một cách tinh tế, không giáo điều.
Là những nhân vật nữ mạnh mẽ, độc lập, tự chủ nhưng vẫn đầy lòng trắc ẩn. Là những chi tiết nhỏ nhặt, đời thường được đưa vào phim một cách đầy chủ ý, khiến thế giới hoạt hình ấy trở nên sống động, chân thực lạ lùng.
Và quan trọng nhất, đó là bàn tay con người. Là hàng ngàn, hàng vạn nét vẽ tay tỉ mỉ, là mồ hôi công sức của cả một đội ngũ họa sĩ dưới sự dẫn dắt của một “nhạc trưởng” thiên tài. Mỗi khung hình không chỉ là hình ảnh, mà còn là cảm xúc, là tâm huyết, là trải nghiệm sống, là triết lý của người nghệ sĩ gửi gắm vào đó.
AI, dù thông minh đến mấy, có “học” được những điều đó không? Hay nó chỉ đơn thuần là một cỗ máy sao chép vô hồn, một “con vẹt” chỉ biết nhại lại những gì được dạy?

Miyazaki và cái lắc đầu kinh điển
Nhắc đến AI, hẳn nhiều người còn nhớ phản ứng “kinh điển” của chính Hayao Miyazaki vài năm trước khi xem một đoạn demo về hoạt hình do AI tạo ra mô tả những chuyển động kỳ dị, ghê rợn. Ông không ngần ngại gọi đó là “một sự xúc phạm đối với chính sự sống”.
Cái lắc đầu ngao ngán và ánh mắt đầy suy tư của vị đạo diễn huyền thoại khi ấy đã nói lên tất cả: Nghệ thuật, với ông, phải đến từ trái tim, từ sự thấu cảm với cuộc đời, chứ không phải từ những dòng code lạnh lẽo.
Một cỗ máy không có tuổi thơ để nhớ về những cánh đồng lộng gió. Nó không biết rung động trước vẻ đẹp của một bông hoa dại hay đau đáu nỗi niềm về một cánh rừng đang dần biến mất. Nó không thể truyền tải được cái “ma thuật Ghibli” – thứ được dệt nên từ tình yêu, nỗi buồn, niềm hy vọng và cả những trăn trở rất “người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận