Anh Phó phòng ở nước mình, ảnh là công chức mẫn cán. Dĩ nhiên, phải mẫn cán thì mới lên được Phó phòng, giỡn chơi hoài, đề bạt, phải đề bạt đúng người, đúng chuyên môn, đúng vị trí. Chứ phải đâu đề bạt lung tung, anh Sáu đề bạt vợ, chú Bảy đề bạt em, chị Tám đề bạt chồng, cô Chín đề bạt con… Đề bạt là để phụng sự cho nhân dân, là để cống hiến cho quốc gia.
Vì là công chức mẫn cán lại là Phó phòng, Phó phòng tuy bé nhưng cũng là lãnh đạo. Tui nói cái này nếu không phải bỏ quá cho tui, chứ nhân dân nước mình cưng cán bộ lãnh đạo như cưng trứng, hứng như hứng hoa, chìu như chìu con cầu con tự. Ít có cán bộ lãnh đạo mà nghèo. Cán bộ có nuôi heo chăn gà thì cũng xây được biệt thự, cán bộ có chạy xe ôm buôn chổi đót cũng xây được biệt phủ, nhìn là biết thôi chứ cần gì phải nói nhiều. Nên đừng nói với cán bộ nước tui về tiền, hỡi người Nhật!
Chính vì vậy, anh Phó phòng của nước tui vào siêu thị của mấy người chẳng qua là do trời nóng quá, ảnh vào hưởng ké mát lạnh xíu. Cái này là tui đoán, mà tui đoán thì chắc chắn không sai đâu.
Trong không khí mát lạnh đó, anh Phó phòng của tui nhiều khả năng ảnh thấy cái này hay hay thì ảnh cầm lên ảnh nhìn, ảnh thấy cái kia lạ lạ thì ảnh đưa mắt ảnh dòm. Dòm xong, nhìn xong vẫn thấy chưa kỹ thì ảnh bỏ túi tính mang về khách sạn nghiên cứu tiếp. Nghiên cứu xong đem ra trả lại thôi, chứ có gì ghê gớm đâu mà sự cố với không sự cố, cảnh sát với không cảnh sát, mời làm việc với không mời làm việc.
Đáng lẽ, người Nhật quan sát camera phát hiện anh Phó phòng của tui nhìn ngắm sản phẩm trong siêu thị, họ phải lấy đó làm mừng. Họ phải pha trà rót nước, trải khăn bàn lấy bánh mời anh Phó phòng của tui ngồi ăn. Rồi sau đó kính cẩn khoan tay giấy bút sẵn sàng, nhờ anh Phó phòng của tui nhận xét về chất lượng sản phẩm, xem sản phẩm hay chỗ nào dở chỗ nào, đẹp chỗ nào xấu chỗ nào, ưu điểm chỗ nào khiếm khuyết chỗ nào.
Tiếp đến, anh Phó phòng của tui buông lời vàng ngọc kết luận thì phải cảm ơn, phải hậu đãi, phải tiễn đưa ảnh. Kế nữa, là chuyển ý kiến của ảnh cho đơn vị sản xuất sản phẩm để từ đó đưa ra giải pháp cải tạo sản phẩm, để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, được người tiêu dùng ưa thích hơn, rồi sản phẩm sẽ phủ sóng toàn Nhật Bản, chuyển sang phủ sóng khắp Châu Á, rồi kế đến phủ sóng khắp toàn cầu. Lúc đó, đơn vị sản xuất tha hồ đếm tiền lời, nhân dân Nhật Bản tha hồ tự hào vì thương hiệu của quốc gia mình lớn mạnh vươn xa.
Nếu người Nhật có tầm nhìn xa trông rộng thì đã thấy được cái chuyện mà tui vừa viết ra. Tiếc rằng họ thiển cận, họ chỉ biết cái sự cố mà không thấy cái đại cục, họ chỉ thấy miếng bánh mì mà không thấy ổ bánh gato, họ chỉ thấy cảnh sát mà không thấy một công chức mẫn cán đầy tri thức.
Chuyện lý ra phải có kết quả tốt đẹp để không làm lũng đoạn tình hình chính trị của thế giới thì phút chốc lại ầm ĩ vì cái tính chấp nhặt này của người Nhật.
Sự cố gì mà sự cố, chẳng qua cầm nhầm. Cầm nhầm bị bắt thì trả lại, đóng phạt rồi thôi. Mà cầm nhầm có phải là ăn cắp là đạo chích là nhập nha là lòng tham trỗi dậy gì đâu, chẳng qua cầm nhầm chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, cho mục đích mong muốn đóng góp cho nhân loại thêm một sản phẩm tiên tiến mà thôi.
Đáng tiếc, người Nhật lại không hiểu. Sống là cho đi mà, nhưng biết làm sao, phen này đành để anh Phó phòng của tui chịu tiếng oan vậy.
Thương quá là thương!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận