Xem đá bóng thấy cầu thủ nhà mình bỏ lỡ cơ hội làm bàn, có ông lên huyết áp rồi đột quỵ mà chết. Ra đường kẹt xe, gây gổ cũng lên huyết áp. Đường sá xấu, xe chạy như rùa bò, nên đến cơ quan trễ giờ bị sếp “tia” thấy "lên tăng-xông". Bà vợ nghe đồn ông chồng có “mèo”, huyết áp lên vù vù như sóng thần. Giá cả sinh hoạt tăng từng ngày, bộ óc vi tính của mấy bà nội trợ phải làm việc cật lực cũng muốn lên huyết áp.
Tăng huyết áp là khi mạch máu mất đi sự đàn hồi vốn có, nó trở nên chai cứng tạo ra lực cản làm huyết áp tâm trương (tối thiểu) tăng. Chính lực cản này làm tim phải bóp mạnh hơn mới tống máu ra lòng mạch được, nên huyết áp tâm thu (tối đa) tăng lên.
Nghiên cứu về dịch tễ của Framingham cho thấy những ai có con số huyết áp 140/90 mmHg bị đột quỵ tăng 4 lần và suy tim gấp 6 lần so với người có huyết áp bình thường. Từ đó con số huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và tối thiểu ≥ 90 mmHg trở thành cột mốc đánh giá cao huyết áp.
Làm sao biết được?
Mấy ông chiều chiều rủ nhau cụng ly, cao hứng còn ề à ca sáu câu vọng cổ, trong khi có một kẻ nằm trong người mình đang từng chút tàn phá trái tim, mạch máu, bộ não và các “cơ quan đoàn thể” mà không hay biết.
Một ngày đẹp trời bạn bị viêm họng, viêm xoang hay đau mắt đi khám, bác sĩ đo huyết áp như một thông số cơ bản, nhưng sau đó tuyên bố: bạn bị tăng huyết áp. Nghe vậy, có người còn cãi lấy cãi để rằng: em chả làm sao cả, ăn ngủ bình thường, đời đang “lên hương”, bác sĩ có nhầm không đấy!
Hầu hết những người bị tăng huyết áp cứ “hồn nhiên” sống như vậy trong khi “kẻ địch” đang nằm vùng trong cơ thể được thân chủ bảo vệ và dung dưỡng. Cũng có người sáng dậy thấy nằng nặng vùng gáy rồi quên luôn. Có người thấy chóng mặt, cảm giác “ruồi bay” trước mắt nằm nghỉ một lúc là hết, nên cho là mình thức khuya bị mệt. Có người bác sĩ này đo bảo là tăng huyết áp, đi bác sĩ khác kiểm tra vào thời điểm khác không thấy cao, các lời khuyên bèn được xếp lại cho “gió bay”.
Chỉ có những người mờ mắt, buồn nôn, tê chân tay, khó thở, đau ngực mới giục người nhà đưa tới bệnh viện thì huyết áp đã nhảy vọt lên quá xá, bác sĩ phải cho nằm phòng cấp cứu theo dõi liên tục 24/24. Có anh tuổi trung niên cố gắng nâng vật nặng lên cao bỗng ngã vật ra, miệng méo xệch, nửa thân không cử động, đưa đi cấp cứu bác sĩ bảo: tăng huyết áp gây đột quỵ. Có ông già được thông báo là bị tăng huyết áp phải uống thuốc thường xuyên lại chủ quan theo kiểu bữa nhớ bữa quên, nhân lúc giận con, tức cháu ngã gục xuống như một thân cây đổ, ngày hôm sau vợ con đăng báo “vô cùng thương tiếc”…
Tăng huyết áp, hắn từ đâu tới?
Bệnh tăng huyết áp thường là vô căn (không có nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp tiên phát). Thường là “gia truyền” và đặc biệt phát huy tính kế thừa ở những người có thân hình phì nhiêu.
Một số ít trường hợp thường khởi phát trên người trẻ do hậu quả của một bệnh lý khác như bệnh thận, bệnh mạch máu hay bệnh của hệ nội tiết (Cushing, to đầu ngón, tiểu đường...) khi đó ta gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp có thể xuất hiện ở người uống thuốc ngừa thai hay uống thuốc Đông y chứa nhiều cam thảo. Theo thống kê thì 50% bệnh nhân tiểu đường bị tăng huyết áp (25% ở người trẻ và 75% ở người lớn tuổi). Những người này tỷ lệ đột quỵ cao gấp 3 lần người tăng huyết áp đơn thuần, và nếu được cứu sống thì khả năng tàn phế cũng rất cao.
Một số nguyên nhân nữa được xem là “tự gây bệnh” đó là thói quen ăn mặn. Bà con mình khoái ăn các món kho, các loại mắm khô quẹt, khi thấy mặn lại bỏ thêm đường vào để giảm bớt vị mặn mà không ngờ rằng các phần tử muối sẽ “ôm” lấy nước làm tăng áp suất thẩm thấu trong máu, đó là nốt nhạc đầu tiên dẫn bạn vào bản trường ca tăng huyết áp. Ở nhiều người mà ăn mặn đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”, là cái sự khoái khẩu lại ỷ y vào thuốc để ngày ngày vô tư nạp thêm muối.
Bên cạnh đó, những “bợm” đứng trong đội ngũ những “bụng bia” hình trái táo cũng là những người có “nguy cơ" THA. Những “ống khói nhà máy thuốc lá” đâu ngờ nicotin nạp hàng ngày “làm việc” với mạch máu khiến lòng mạch bị xơ hóa, biến thành những kẻ cứng đầu được xếp vào nhóm nguy cơ tăng huyết áp cao.
Stress thường xuyên trong cuộc sống cũng gây biến đổi sự chun giãn của thành mạch máu có thể dẫn đến tăng huyết áp dù cha mẹ đương sự chẳng ai dính líu đến bệnh này.
Đọan kết của tăng huyết áp...
Là suy tim trái mà bà con mình hay gọi là “lớn tim”, dần dần dẫn đến suy tim toàn bộ. Các hệ mạch ở não cũng trở nên xơ cứng, nên khi áp suất máu tăng đột ngột có thể gây vỡ mạch, máu ùa ra làm lụt não, tụt hạnh nhân tiểu não và… vô phương cứu chữa.
Các mạch máu ở võng mạc mắt, nơi nuôi dưỡng những tế bào giúp chúng ta nhìn, liếc, long lanh đưa tình hay giận dữ… nay cứng ngắc, xoắn lại, bắt chéo nhau, phù nề, xuất huyết… làm thị giác mờ, hình ảnh tách đôi, nếu đã đến mức xuất huyết võng mạc có thể gây mù.
Tăng huyết áp làm áp suất máu ở thận tăng lên khiến người bệnh đi tiểu nhiều. Các lỗ lọc ở cầu thận bị “nở” ra, những phần tử lớn như albumine bình thường không được cấp visa, nay cứ tự do đi ra nước tiểu. Với những người cao huyết áp lại ăn thịt nhiều, ăn mặn thường làm huyết áp tăng cao hơn và cuối cùng là suy thận. Ghê chưa!
Với chuyện ấy thì sao?
Một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress góp phần rất quan trọng trong việc làm giảm áp suất máu. Sẽ rất hiệu quả nếu thay thịt bằng đậu hũ, cá, rau xanh. Theo dõi huyết áp thường xuyên và uống thuốc đều đặn cũng đảm bảo cho việc tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Đàn ông thường hỏi: uống thuốc hạ áp liệu có ảnh hưởng đến “chuyện ấy”? Câu trả lời là “có” và “không”.
“Có” nếu bạn buộc phải dùng những thuốc như Reserpin hoặc cao ba gạc, thuốc chẹn ß giao cảm như Propanolol, Inderal, Pindolol(Wiskin). Các rối loạn thường thấy khi rơi vào hoàn cảnh này là “chưa ra đến chợ đã rơi sạch tiền” hoặc “trên bảo dưới không nghe” khiến mấy ông mặc cảm rồi rơi vào trầm cảm.
“Không” nếu bạn được chỉ định dùng thuốc ức chế men chuyển như Enapril (renitec, Ednyt), catopril, các thuốc chẹn kênh can-xi như Amlodipine, Adalat chậm.
Tịt Tuốt tôi thường được các anh độ tuổi 60 hỏi rằng: bị tăng huyết áp có dùng được Viagra? Xin thưa! Đại học Gainesville, Florida (Mỹ) đã nghiên cứu trên 15 bệnh nhân tăng huyết áp bị chứng xìu xìu ển ển. Tất cả được kiểm tra huyết áp rồi uống 1 viên Viagra để “làm ăn”. Kết quả là “Viên kim cương xanh” (tên gọi của quý ông dành cho Viagra) không hề làm THA (Theo Reuters). Dù vậy cần lưu ý là nếu các anh đã có thiếu máu cơ tim thì vẫn nên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận