Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ

Bài và ảnh: Tí Cận

Đăng lúc 20:01 | 08/08/2022

Dân ta hài hước lắm, ngay cả trong những chuyện tưởng như nghiêm túc nhất vẫn có thể bật ra tiếng cười.

Không nói đâu xa, từ những câu chữ trên các bảng hiệu cho đến thông báo bán buôn nơi công cộng... cũng khiến người khác phải phì cười. Chuyện làm ăn mà hài hước chút cũng là cái cách thu hút lòng người đó thôi!

Mắc cười mà thiệt nghiêm túc

Bảng hiệu ở đây không chỉ hiểu đơn thuần là các bảng quảng cáo cho một tính chất, công việc, ngành nghề, sự kiện, thông tin nào đó, mà trong bài viết này, nó được hiểu như tất tần tật những tấm bảng, được sơn vẽ kẻ biển nắn nót hay nguệch ngoạc, mang ý nghĩa cảnh báo, thông tin, PR một cách hài hước, hóm hỉnh hay... cáu kỉnh xuất hiện ở chốn công cộng.

Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ - Ảnh 1.

Tui hay đi trên con đường có bán nhiều giày dép Lý Chính Thắng, quận 3, Sài Gòn và lần nào cũng phải liếc nhìn cái bảng hiệu bên trái đường, khúc gần ngã tư Trần Quốc Thảo dù chưa bao giờ vào mua. Nhưng có lẽ tui sẽ phải nhớ tới nó khi cần mua sắm, dù chưa chắc giày đó đã vừa ý mình. 

Đơn giản vì cái bảng hiệu quá "chảnh chọe" "Giày xấu giá cao" đã lọt vào mắt mình. Hóa ra chuyện thiên hạ thường bình phẩm shop đó bán đồ xấu mà mắc, lại được chủ shop giày này chộp lấy xài như thương hiệu của mình. Chưa bàn đến chất lượng, nhìn bề ngoài thì tiệm giày này nhộn nhịp hơn hẳn cái trung tâm giày to đùng của một đại gia làng giày cách đó chừng trăm mét.

Hồi đi Vũng Tàu, tui được bạn rủ vào một quán bún riêu được cho là ngon của nơi này. Công nhận là ngon thiệt, nhưng ấn tượng cho thực khách tui không chỉ là tô bún mà cái tủ lạnh dán cái bảng ngay cánh cửa "nhẹ tay anh ơi em đau", làm khách xa gần vô quán muốn mở cửa lấy chai nước mát cũng không đóng cái rầm kiểu tủ chùa cứ đóng thoải mái. 

Cái bảng trên tường ghi rất ngay ngắn "cấm ruồi vào quán" nghe buồn cười mà chứa đựng sự rất ư là tự tin của cái quán bún rộng mênh mông rất đông du khách tìm đến này.

Những dòng chữ thông báo về nội quy ăn uống ở quán không đụng hàng, tưng tửng như viết status trên FB giảm stress hóa ra lại rất "bắt" cư dân mạng. Một cách PR hữu hiệu và thịnh hành nhất hiện nay, không tốn một xu khi khách vô quán sẽ khoái chí chụp hình check-in sống ảo.

Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ - Ảnh 2.

Người làm ăn kinh doanh bây giờ hiểu là không chỉ đầu tư chất lượng sản phẩm, mà trong các bảng hiệu của mình, cái sự thông báo cũng phải khác người một chút thì mới mong gây chú ý cho các ánh nhìn vốn là những công dân mạng xã hội. Chỉ cần nói quá, hay nói khác đi một chút, nếu có chút hài hước nữa càng hay, xem như bạn đã thành công một nửa trong việc PR rồi. 

Ngay cả quán nước mía bên đường mà còn ý thức được điều này. Thay vì nói ly nước mía khổng lồ như nhiều tiệm khác, có tiệm chơi lạ bằng từ "Ly tổ mẹ" hoặc cái xe ba gác hàng rong trưng bảng nơi đây bán "dừa xiêm ngọt quéo lưỡi". 

Nói chung là những câu chữ luôn khiến các nhà ngôn ngữ học giật mình và than vãn cho sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng lại được cư dân mạng ủng hộ nhiệt liệt khi từ ngữ của văn nói được sử dụng cho văn viết với tất cả sự suồng sã dân dã của nó.

Thấy ghét mà ưng cái bụng

Tui có quen một người bán rau ở gần bồn nước Khu công nghiệp Biên Hòa, tự là Minh râu, mà thời gian qua nhiều lúc anh từng hót hòn họt trên mạng xã hội vì cách bán buôn không giống ai của anh. Chủ tiệm rau này không chỉ bán rẻ, hay cho không biếu không rau củ của mình cho công nhân, học sinh nghèo mà còn có cung cách bán hàng hổng giống ai.

Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ - Ảnh 3.

Mà cho toàn rau đẹp! Gã nói mua cho để người ta đem về ăn, chứ mua hàng xấu về, họ không ăn được thì tốn tiền vô ích. Minh râu bán rau có cái lối làm ăn ngang tàng vui vẻ và những cách rao bán mà dân pr-marketing chuyên nghiệp trầm trồ ngả mũ xưng tụng "thánh-còn-ten" đây chứ đâu. 

Gã cho rau, ghi rõ "Rau thì lấy bằng hai tay nhưng ớt thì lấy bằng hai ngón tay thôi". Mà thiệt, ớt mà lấy bằng hai bàn tay thì ai mà hảo tâm chịu nổi. Nhiều khi cũng... ba lém hết sức: "8-3, tặng mỗi em một trái bầu". Mà gã tặng thiệt. Nhưng không quên nhắc chừng:

"Lưu ý: lấy theo nếp, lấy từ trên xuống, không bới móc", "Lấy đủ ăn". Có khi như nhắc nhở người mua buổi chợ đang hiếm rau vì mưa bão: "Mai có tiếp. Do thời tiết, rau mắc lắm, mua đủ dùng".

Mà kẻ bán có nguyên tắc của gã: "Rau muống lấy miễn phí theo mẫu, 1kg, lấy nhiều bị la", ghi rất rõ ràng trên tấm bảng vậy đó.

Nhiều khi cũng rất nghiêm túc viết thông báo: "Không đeo khẩu trang không được lấy hàng miễn phí". Hoặc viết như ghẹo: "Không đeo khẩu trang, đeo khẩu trang hở mũi không cho bọc đựng".

Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ - Ảnh 4.

Cũng có lúc gã chủ tiệm này từng muốn cắt chữ, viết bảng báo giá lại trông cho đàng hoàng, hỏi ý kiến, tui là kẻ kiên quyết khuyên gã bán rau ấy cứ giữ nguyên cái xì tai viết tưng tửng, nguệch ngoạc mà nhiều khi sai chánh tả tè le trên bìa cactông như thế. Nó đã là thương hiệu nhận dạng rồi còn gì. Mà nhờ vậy, người ta đi mua rau, xin rau lại hóa ra rất "nghiêm túc chấp hành nội quy".

Nhiều người không quen sẽ thấy khó chịu với cách nói rất ngang hông, kiểu ưng thì mua không ưng thì thôi. Đọc qua thì thấy chảnh, nhìn lại mấy dòng chữ thì thấy thương mà có lý. Mà phải có sự quan sát lâu thiệt lâu trong vai trò người bán mới dòm ra cái cốt của người mua mà nhắc nhở.

Thí dụ như gã viết rõ mua rau thì hãy lấy bằng hai tay. Lấy rau mà lấy nhẹ tay, dễ vỡ.

Một sự nhắc khéo nhẹ về lòng tham, về cái sự ham-vừa-đủ mà lúc lao vào cơn mua sắm chợ búa, không phải ai cũng tỉnh táo. Thành thử, đi mua rau, mà học ở gã "chủ tiệm ngang ngược" này không ít à.

Nói nghiêm túc mà mắc cười

Tui thi thoảng đi chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn. Chùa có mấy cây sala nở hoa rất đẹp. Cây sala vốn rất hay được trồng ở các sân chùa, thậm chí có cả ở công viên Tao Đàn, Thảo cầm viên, nghĩa là không phải trường hợp hiếm. Nhưng chỉ có cây sala ở chùa Hoằng Pháp mới có cảnh như vầy. 

Hàng chục phật tử, những người viếng chùa luôn túc trực dưới gốc cây sala mỗi khi vào kỳ hoa nở. Ai cũng đưa hai tay thành kính ngước mắt nhìn cây, nhìn hoa chờ thời khắc hoa rụng để hứng hoa. Hẳn nhiên là rất lâu. 

Không gian rất tĩnh lặng trong sự thành kính của người đợi hoa rụng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, lưng chừng gốc cây, nhà chùa cho gắn một tấm biển sơn vẽ cẩn thận, khá to, treo ôm quanh thân cây, nhắc nhở bằng một câu thơ rằng: "Hai tay hứng hoa sala, coi chừng gian tà móc túi". 

À, thì ra chốn thiền môn kẻ gian cũng không từ. Mà kẻ gian cũng ghê gớm thật, nhè ngay lúc tín đồ đang tập trung làm lễ, hai tay thành kính gần như bất động đưa ra hứng đợi hoa, mắt nhìn lên cây, thì còn cơ hội nào hay hơn! Đọc hai câu thơ có vần rất trữ tình của nhà chùa, thấy đủ cả bi hài là vậy.

Phóng sinh sự: Những tấm bảng... vui vẻ - Ảnh 5.

Thấy mắc cười mà thông cảm

Cô bạn tui đang tập lái xe, hỏi xin lại tấm hình được lưu truyền trên mạng của một netizen nào đó, chụp tấm biển dán sau lưng chiếc ôtô của mình. "Xe nữ lái, mới lấy bằng. Cảm ơn vì đã thấu hiểu". Cô bảo để làm một cái y chang. 

Đường sá xứ mình chật chội, kẹt xe và lắm xe máy nên cô lái không tự tin, cảm giác như mình đang làm phiền người khác mỗi khi nghe tiếng còi bóp giục giã từ phía sau, nên đây là một giải pháp hữu hiệu. Có nghe lời càm ràm của mấy bác tài khi phía trước là một chiếc xe choán chỗ: Chắc chắn là nữ lái... mới thấy tính hài hước của dòng chữ này.

Những "thông điệp đường phố" kiểu này thể hiện ở khắp nơi và giờ nó giống như một trào lưu. Ban đầu chỉ mang tính thông báo, nhưng thời gian đã chứng minh rằng những điều nghiêm túc, không cảm xúc, gãy gọn trên các bảng hiệu là những điều dễ khiến người ta quên nhất. Cho nên, phải khác. Khác ở đây, được hiểu và qua thực tế chứng minh, là phải hài hước, độc và lạ!

Dễ nhớ, dễ khiến người ta theo! Hài hước hóa ra lại dễ đi vào lòng người hơn!

Xin lỗi, hơi thô thiển, nhưng mấy nơi ghi một cách ngắn gọn và mệnh lệnh là... "cấm đái", hóa ra lại dễ bị "đái bậy" hơn đó thôi?!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình