Mới đây, Bệnh viện Đông Tây (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) mở phòng khám "ghét đi làm" từ giữa tháng 5, đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội toàn cầu. Theo đó bất kỳ ai có những nỗi lo âu hay trầm cảm liên quan đến công việc, đều có thể tìm đến đây để giải quyết tận gốc vấn đề.

Biển hiệu phòng khám "ghét đi làm" ở dưới cùng, trong khi đó biển hiệu phòng khám "ghét đi học" ở giữa.
Từ "ghét đến trường" đến "ghét đi làm"
Phòng khám "ghét đi làm" là một phần mở rộng từ mô hình trước đó có tên "ghét đến trường" - nơi chuyên giúp phụ huynh giải quyết vấn đề con cái không muốn đến lớp, thông qua việc điều trị các áp lực học tập và khó khăn về cảm xúc.
Ý tưởng thành lập phòng khám cho người trưởng thành được chính các bậc phụ huynh gợi ý khi đưa con đến khám tại phòng "ghét đến trường". Bác sĩ Yue Limin - trưởng khoa giấc ngủ và tâm lý của bệnh viện, đồng thời là người phụ trách cả hai phòng khám - cho biết: "Trước đây, khi đưa con đến phòng khám, một số phụ huynh từng hỏi liệu có dịch vụ tương tự dành cho người lớn, những người không muốn đi làm hay không?!".
Theo bác sĩ Yue, phòng khám "ghét đi làm" hướng đến những người đang vật lộn với sự mệt mỏi, kiệt quệ, bất ổn về cảm xúc hoặc cảm thấy công việc mình đang làm vô nghĩa.
"Tuy nhiên nếu gán nhãn trực tiếp là lo âu hay trầm cảm, có thể khiến người bệnh cảm thấy kỳ thị", bà giải thích.

Nhiều người cảm thấy "ghét đi làm" vì vô vàn lý do.
Chính vì thế, việc lựa chọn một tên gọi gần gũi và không mang tính y khoa nặng nề giúp người bệnh dễ dàng tìm đến tư vấn mà không bị áp lực.
"Các triệu chứng bên ngoài thường xuất phát từ những nguyên nhân tâm lý hoặc xã hội phức tạp. Vai trò của chúng tôi là xác định nguyên nhân, tiến hành đánh giá toàn diện, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Yue nói thêm.
Phòng khám "ghét đi làm" sử dụng phương pháp chẩn đoán kết hợp giữa phỏng vấn đánh giá trạng thái cảm xúc và kiểm tra thể chất, nhằm loại trừ các nguyên nhân bệnh lý như cường giáp. Sau khi có kết quả đánh giá, bệnh viện sẽ xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Dù mô hình phòng khám này nhận được sự chú ý trên toàn quốc, bác sĩ Yue cho biết số lượng bệnh nhân thực tế đến khám vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Tuy nhiên sự ra đời của phòng khám "ghét đi làm" được xem là một bước tiến nhân văn trong việc tiếp cận và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc và tình trạng kiệt sức đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận