Có kho báu "3 tấn vàng dưới sông Cà Ty"?
Nhân ngày Cá tháng tư năm 2024, ông Huỳnh Phú Tân (ngụ xã Long Điền, huyện Long Hải, Bạc Liêu) có đơn gửi đến Sở VH-TT&DL Bình Thuận về thông tin "kho báu dưới sông Cà Ty". Theo ông Tân, ông tổ gia đình đã phát hiện quân đội Nhật Bản giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông chảy ngang thành phố Phan Thiết.
Người đàn ông này cũng tiết lộ thêm chi tiết về địa điểm kho báu trong đơn, nhưng tư liệu và hình ảnh không còn vì thời gian đã quá lâu.
Trước thông tin trên truyền thông, gia đình của ông Tân đã rất bất ngờ. Chia sẻ với báo chí, bà O. - mẹ của ông Tân - cho biết từng nghe người đàn ông này kể chuyện nằm mơ thấy "tổ tiên mách bảo" có kho báu dưới sông Cà Ty. Tuy nhiên, bà O. cho rằng là "chuyện tầm phào" và có can ngăn con. Bà và gia đình cũng khẳng định không biết gì về "3 tấn vàng dưới sông Cà Ty".
Về phía hàng xóm, họ nói rằng ông Tân đang đi vác muối thuê, sau nhiều năm thất bát vì nuôi tôm công nghiệp. Ông có thời gian đi bơm cát mướn nhưng cũng phải về quê do thua lỗ.
Người mất cả đời vì "kho vàng 4.000 tấn trên núi Tàu"
Cụ ông Trần Văn Tiệp (đã mất năm 2016, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) và câu chuyện "kho vàng 4.000 tấn trên núi Tàu" từng khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài. Theo cụ kể, núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) từng là nơi quân đội Nhật cất giữ kho báu trước khi nhận thất bại trong Thế chiến thứ 2 và buộc phải rút quân về nước.
Từ năm 1993 đến năm 2014, cụ Tiệp đã đầu tư rất nhiều tiền bạc với hy vọng tìm được 4.000 tấn vàng. Cùng với sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Bình Thuận, kho báu vẫn "chưa chịu" xuất hiện để người đàn ông hiện thực hóa ước mơ đóng góp tất cả số vàng kiếm được cho ngân khố quốc gia.
Tưởng chừng câu chuyện "kho báu" của cụ Tiệp đã khép lại, nào ngờ năm 2016, một người đàn ông khác sinh sống ở TP.HCM lại trình báo địa phương về kho báu 4.000 tấn vàng. Theo người này, số vàng trên nằm dưới ba giếng cổ trên bờ biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, nơi không xa núi Tàu.
Thông tin này sau khi được kiểm chứng đã trở thành một... tin đồn.
Kho vàng của quân Nhật chôn giữa Sài Gòn
Câu chuyện về một kho báu "siêu to khổng lồ" giữa Sài Gòn được ông Chế Quang Lạng truyền lại cho con gái ruột là bà Chế Thanh Vân. Theo lời kể của bà Vân, người cha của mình bị Nhật bắt nhốt đã chôn số vàng trên vào năm 1945. Tuy nhiên, ông Lạng chưa kịp đào kho báu thì qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Năm 2013, bà gửi bản tường trình hiến kho báu 4,8 tấn lên Sở Công an TP.HCM. Bà miêu tả rõ những cục vàng mà người cha quá cố nhìn thấy "dài 2 gang tay, ngang 1 gang tay, cao 1 gang tay". Trên bề mặt có in chữ Minh Trị Thiên Hoàng.
Tuy nhiên đến nay, kho vàng qua lời kể của bà Chế Thanh Vân đã chìm vào quên lãng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận