Natalie Campell, giám đốc điều hành của Belu Water, cho biết "các công ty không áp dụng làm việc 4 ngày/tuần sẽ khó lòng tuyển dụng được lao động chịu đi làm trong 5 năm tới", tại sự kiện "Chiến dịch Tuần 4 ngày".
Theo Guardian, bà Natalie nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng thế giới đã đổi thay sau đại dịch. Mọi người nhận ra rằng có mặt tại văn phòng và ngồi tại bàn làm việc hằng ngày không thể tạo ra lực lượng lao động năng suất".
Bà Natalie là một trong các ứng viên đang chạy đua làm thị trưởng London. Các chính trị gia tại Anh rất nỗ lực kêu gọi một tuần làm việc chỉ trong 4 ngày, để "chiều lòng" người lao động. Việc này thu hút được lượng lớn cử tri làm công ăn lương, tuy nhiên lại khiến giới chủ doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân viên, trong trường hợp không chịu thay đổi.
Theo một tuần làm việc 4 ngày, nhân viên sẽ được giảm 20% số giờ làm việc, xuống còn 28 giờ/tuần mà không bị giảm lương.
Những người ủng hộ tuần làm việc 4 ngày cho rằng tuần làm việc 5 ngày và "9 to 5" (thời gian làm việc từ 9h đến 17h) đã lỗi thời và không phù hợp với thời đại. Theo đó, khái niệm "cuối tuần" được phát minh ra cách đây một thế kỷ cần được cập nhật lại.
Joe Ryle, giám đốc của "Chiến dịch Tuần 4 ngày", cho biết: "Chúng ta đang sống ở một đất nước có thể gọi là 'nước Anh kiệt sức'. Chúng ta làm việc quá nhiều, có thể nói là thời gian làm việc dài hàng đầu thế giới, trong khi năng suất kém. Cuộc sống của chúng ta được xác định bởi công việc".
Mặc dù chưa có quốc gia nào chính thức áp dụng hoàn toàn tuần làm việc 4 ngày, nhưng một số nước như Nam Phi, Bỉ, Iceland hay Nhật Bản đang thử nghiệm hoặc có chính sách cho phép giờ làm việc linh hoạt.
Những năm gần đây, mô hình làm việc linh hoạt cũng đã xuất hiện tại Vương quốc Anh. Tháng 12-2022, Đảng Dân chủ tự do Scotland đã thử nghiệm mô hình làm việc 4 ngày/tuần đối với một số nhân viên. Kết quả của cuộc thí điểm này sẽ được đưa ra và áp dụng đại trà vào thời điểm thích hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận