Bộ tiểu thuyết Tây du ký là một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc, sau khi được chuyển thể thành phim cũng đã được làm lại rất nhiều lần. Nhưng trong lòng nhiều khán giả mộ điệu, bản phim Tây du ký năm 1986 là bản kinh điển nhất, xuất sắc nhất.
Nhưng có lẽ điều mà nhiều người không biết đến, sở dĩ có sự xuất hiện của bản phim Tây du ký năm 1986 là vì sự xuất hiện của bản phim Tây du ký của Nhật Bản quay năm 1978.
Phải biết rằng, Tứ đại danh tác của Trung Quốc không chỉ nổi tiếng trong nội địa Trung Quốc mà còn được biết đến nhiều ở ngoại quốc.Ví dụ như ở Nhật Bản, họ rất yêu thích hai tác phẩm Tây du ký và Tam quốc diễn nghĩa.
Tác phẩm đầu tiên của Tây du ký trên màn ảnh Nhật cũng không phải là bản năm 1978 mà từ trước đó rất lâu, Nhật Bản cũng đã cho ra đời không dưới 6 bộ phim có liên quan đến Tây du ký. Chỉ có điều những phim đó không được nổi tiếng cho lắm. Hơn nữa, nội địa Trung Quốc cũng đã từng có bộ phim điện ảnh về động Bàn Tơ trong Tây du ký.
Bản Tây du ký năm 1978 của Nhật Bản khi ra đời đã nổi tiếng khắp nơi, hơn nữa còn được phát sóng trên kênh truyền hình của Trung Quốc. Sau khi xem phiên bản này, rất nhiều khán giả Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng. Họ cho rằng tại sao người Trung Quốc không tự chuyển thể thành phim các tác phẩm văn học Trung Hoa?
Ngoài việc không thích phiên bản do Nhật làm, các khán giả Trung Quốc còn không thể chấp nhận vai Đường Tăng do một nữ diễn viên thủ vai trong bản phim Tây du ký 1978.
Người đóng vai Đường Tăng là Masako Natsume, là một nữ diễn viên vô cùng xinh đẹp trong làng giải trí Nhật Bản. Việc cô thủ vai Đường Tăng, vốn là nam giới, được cho là không được thành công bởi những đặc điểm vốn có của nữ giới vẫn rất rõ rệt.
Dù không được đánh giá cao trong việc dùng nữ diễn viên đóng vai Đường Tăng, thế nhưng như tiền lệ sẵn có, các bản phim của Nhật sau này cũng thường để nữ đóng vai Đường Tăng. Dần dà việc này trở thành một "tiêu chí độc đáo" trong các phim Tây du ký do Nhật sản xuất.
Sau khi du nhập vào Trung Quốc, bản phim này chỉ phát sóng được ba tập đã bị ngừng chiếu vì có nhiều chi tiết không được khán giả chấp nhận. Ví dụ như Đường Tăng dùng nụ hôn để chữa trị vết thương cho đồ đệ, có quan hệ mập mờ với đồ đệ... Cũng chính vì thế, sau khi phim bị ngừng chiếu, càng có nhiều khán giả Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc nên có những bộ phim trong Tứ đại danh tác của chính mình.
Dẫu bị người Trung Quốc phản đối, bản phim Tâu du ký 1978 của Nhật làm vẫn tạo được tiếng vang. Và điều này đã tạo nên áp lực cho những nhà làm phim Trung Quốc. Dưới áp lực từ nhiều phía, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã quyết định làm bộ phim Tây du ký do Dương Khiết làm đạo diễn với sự hóa thân vô cùng xuất sắc của dàn diễn viên từ chính đến phụ.
Đến nay, cộng đồng hâm mộ phim Tây du ký vẫn tranh cãi đâu là bản Tây du ký nào kinh điển nhất lịch sử? Đa số đều cho rằng bản Tây du ký năm 1986 của đạo diễn Dương Khiết chính là bản phim kinh điển nhất, hay nhất. Thế nhưng cũng có một số người cho rằng bản của Nhật Bản làm năm 1978 mới là kinh điển nhất. Rốt cuộc, tại sao lại xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược này?
Với phiên bản Tây du ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết, nhiều ý kiến cho rằng đây là phiên bản kinh điển nhất bởi bộ phim phù hợp với quan niệm xã hội, nhân sinh quan và giá trị quan. Đồng thời, tinh thần và ý thức của ê-kíp tuyên truyền trong phim cũng rất tiên tiến. Phiên bản này ngay cả đến hiện tại, cho dù có xem cả ngàn lần, cũng không thấy lỗi thời.
Còn phiên bản của Nhật lại khác xa so với nguyên tác, nhưng lại được một số người cho rằng đó là bản kinh điển nhất là bởi bộ phim khá thịnh hành ở châu Âu. Hơn nữa, người nước ngoài lại rất thích phiên bản này. Vì phiên bản này thực ra đã thực hiện nhiều sự cải biên, chỉnh sửa, lấy mục đích chính là giải trí.
Vốn dĩ giá trị của người châu Á và người phương Tây đã khác nhau, thế nên khi đối diện với hai giá trị quan khác nhau của hai phiên bản đương nhiên cũng xuất hiện những ý kiến khác nhau. Thêm vào đó, bản Tây du ký của Nhật Bản năm 1978 được phát sóng rộng rãi trên thế giới, cũng được coi là một phiên bản có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Ngoài ra, phiên bản này còn được đầu tư rất nhiều, gấp 10 lần so với phiên bản của đạo diễn Dương Khiết. Khi ấy, để làm bộ phim này, phía Nhật đã đầu tư đến một một tỉ Yên. Thế nên các kỹ xảo trong phim cũng vô cùng đặc sắc.
Ngoài kỹ xảo ra, để quay bộ phim này, khi ấy các diễn viên và đạo diễn cũng đã đi khắp Nhật Bản để tìm cảnh thật cho phim chứ không phải hoàn toàn là đứng trước phông nền xanh rồi dựng kỹ xảo.
Tây du ký năm 1978 vẫn luôn được cho là một bộ phim mang ngụ ý châm biếm, tính giải trí nhưng đồng thời cũng lại tràn ngập vô số tranh cãi khiến nhiều khán giả khó lòng chấp nhận cốt truyện khác xa với nguyên tác. Nếu gạt nguyên tác sang một bên, phiên bản Tây du ký năm 1978 quả thực có tính giải trí rất cao.
Chính vì Tây du ký bản của Nhật năm 1978 đình đám, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở trên thế giới nên cuối cùng, phiên bản Tây du ký năm 1986 của Trung Quốc đã “bị ép” ra đời và trở thành một tác phẩm kinh điển của nền phim ảnh Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận