Đằng sau ánh hào quang rực rỡ đó, rất nhiều studio anime - nơi tạo ra các siêu phẩm mà bạn yêu thích - lại đang phải vật lộn với bài toán tài chính, thậm chí là… “nghèo bền vững”!
Trong khi thị trường anime toàn cầu phình to với tốc độ chóng mặt nhờ các hợp đồng streaming béo bở, bản quyền quốc tế và hàng tấn đồ ăn theo bán chạy như tôm tươi, lẽ ra túi tiền của phần lớn các studio sản xuất phải tăng lên mới đúng. Nhưng mọi thứ không như là mơ!
Vậy tiền đi đâu hết? Câu trả lời phần lớn nằm ở một “cơ chế” đặc thù của ngành anime Nhật Bản: Ủy ban Sản xuất (Production Committee).
Nói nôm na thế này, khi một dự án anime được khởi động, thường không phải studio bỏ tiền ra làm tất. Thay vào đó, một nhóm các công ty (gồm nhà xuất bản manga gốc, đài truyền hình, công ty quảng cáo, nhà sản xuất đồ chơi...) sẽ cùng nhau ‘hùn vốn’ lập nên cái ủy ban này.

Studio hoạt hình thường chỉ được thuê để thực hiện phần sản xuất, tức là vẽ vời, diễn hoạt, làm kỹ xảo - và nhận về một khoản phí cố định.
Bất kể bộ anime đó có thành công vang dội, bán được bao nhiêu đĩa Blu-ray, bao nhiêu mô hình đồ chơi, thu về bao nhiêu từ bản quyền quốc tế, thì phần lợi nhuận khổng lồ đó chủ yếu chảy vào túi các thành viên ủy ban - những người nắm giữ bản quyền và chịu rủi ro đầu tư ban đầu.
Studio dù là người đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo ra sản phẩm, thường chỉ nhận được phần lương cứng ít ỏi, giống như người làm công ăn lương cao cấp, chứ không được chia cổ tức xứng đáng.

Khi miếng bánh lợi nhuận đã nhỏ, lại phải đối mặt với chi phí sản xuất ngày càng tăng, áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa các studio, thì hệ quả tất yếu chính là tình trạng “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí đến mức tối đa.
Và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người họa sĩ diễn hoạt (animator) - những người hùng thầm lặng vẽ nên từng khung hình lung linh.
Câu chuyện về lương thấp, giờ làm việc kéo dài, áp lực deadline khủng khiếp trong ngành anime Nhật Bản đã không còn là bí mật. Nhiều animator tài năng phải “cày như trâu” nhưng thu nhập chỉ đủ sống tằn tiện.
Họ đang phải trả giá bằng sức khỏe, thời gian và đôi khi cả đam mê của mình để chúng ta có những bộ anime mãn nhãn. Nghĩ mà thấy thật trớ trêu, các nhân vật isekai trong truyện thì liên tục lên đời, còn người vẽ ra họ thì vẫn đang chật vật với cuộc sống.
Nguy cơ trước mắt và tương lai nào cho ‘lò’ sản xuất anime?

Thực trạng đáng báo động này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các animator mà còn tiềm ẩn nguy cơ cho cả ngành công nghiệp. Các studio liên tục hoạt động dưới áp lực tài chính có thể dẫn đến phá sản.
Tình trạng làm việc khắc nghiệt vắt kiệt sức người lao động đã khiến nhiều tài năng rời bỏ ngành, tạo ra sự thiếu hụt nhân lực chất lượng trong tương lai. Liệu chất lượng anime có bị ảnh hưởng khi người làm ra nó không được đảm bảo cuộc sống và sự sáng tạo không được nuôi dưỡng đúng mức?
Đã có những kêu gọi cải cách hệ thống, thay đổi mô hình chia sẻ lợi nhuận, tăng quyền lợi cho studio và animator, nhưng đây là một bài toán phức tạp, liên quan đến cấu trúc kinh doanh đặc thù đã tồn tại hàng thập kỷ.

Thế giới anime lung linh trên màn ảnh đôi khi lại được xây dựng từ những góc khuất không mấy màu hồng. Là một người yêu anime, việc hiểu rõ hơn hậu trường đằng sau những thước phim yêu thích không chỉ giúp chúng ta trân trọng hơn công sức của người nghệ sĩ mà còn có cái nhìn thực tế hơn về ngành công nghiệp này.
Hy vọng rằng trong tương lai, “bữa tiệc” anime triệu đô sẽ được chia sẻ một cách công bằng hơn, để những người tạo ra phép màu thực sự có thể sống tốt bằng chính đam mê của mình.
Báo cáo của Studio Anime về số tiền thực sự mà các studio kiếm được
Studio Ghibli - 4.97 tỉ yen (khoảng 34,9 triệu đô la)
Bandai Namco Filmworks - 3,76 tỉ yen (khoảng 24,6 triệu đô la)
Production I.G. - 358 triệu yen (khoảng 2,51 triệu đô la)
Wit Studio - 271 triệu yen (khoảng 1,9 triệu đô la)
CloverWorks - 203 triệu yen (khoảng 1,42 triệu đô la)
Marza Animation Planet - 83,5 triệu yen (khoảng 586.458 đô la)
Kinema Citrus - 72,6 triệu yen (khoảng 509.886 đô la)
CygamesPictures - 63 triệu yen (khoảng 442.477 đô la)
Studio Chiptune - 61,2 triệu yen - (khoảng 429.822 đô la)
Colorido - 28 triệu yen - (khoảng 196.656 đô la)
Kusanagi - 27 triệu yen (khoảng 189.633 đô la)
A-1 Pictures - 25 triệu yen (khoảng 175.580 đô la)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận