Phàm cái gì hại mà còn tinh vi thì hại đủ đường. Chúng ta đã nếm mùi bụi mịn, nhưng có vẻ chưa xi-nhê gì với một thứ bé xé ra to tầm cỡ khác là…hạt vi nhựa (microbead).
Xuất thân…sang chảnh!
Microbead chủ yếu có gốc polyethylen, polypropylen, polystyren..., được tạo ra hoặc là sản phẩm phân hủy từ rác thải nhựa. Kích thước từ 10 micromet đến 1mm, to cao đen hôi hơn bụi mịn một ít.
Không như đám du thủ du thực PM2.5, PM10, vi nhựa xuất thân có gốc gác sang chảnh. Dễ dàng tìm thấy hạt vi nhựa trong sữa rửa mặt, sữa tắm, kem cạo râu, mascara, son môi, kem đánh răng, với sứ mệnh làm sạch, tẩy tế bào da chết và làm màu. Nhìn thấy typ kem đánh răng, kem thoa mặt nào lổn ngổn các hạt màu vui mắt là biết còn ai trồng khoai đất này!
Ất ơ từ rác thải nhựa
Tuy vậy, lượng vi nhựa có công ăn việc làm chỉ chiếm số lượng tương đối, còn lại, đông như quân Nguyên là đám ất ơ phân hủy từ rác thải nhựa. Đồ nhựa, trước khi về với cát bụi, kịp gửi lại cho đời đám chắt chít âm binh, ăn tàn phá hại chẳng kém tằng tổ…
Hung hiểm mười phần
Vậy, cùng giuộc tinh vi sinh tinh tướng, cái gì khiến vi nhựa được cho là hung hiểm hơn bụi mịn?
Trước tiên là đường đi nước bước. Người ta bịt mồm, bịt mũi, như đuổi tà với bụi mịn; nhưng lại đường hoàng nuốt, hít, trét vi nhựa hằng ngày. Sáng mở mắt là ực ngay một mớ microbead từ kem đánh răng, tối về xứt xứt thoa thoa thêm mớ khác từ cream dưỡng từ da...
Đủ thủy, bộ, không…
Bụi mịn, chủ yếu, làm loạn qua không khí, còn vi nhựa cân đủ hải, lục, không quân. Chết dở hơn cả là nhánh thủy lộ. Vi nhựa theo nước rửa mặt, nước súc miệng, nước rửa chén dẫn đến cống rãnh, đổ ra sông biển, châu về hiệp phố cùng hội “cái bang” microbead rác thải nhựa chực sẵn ở đây. Một phần đám trời ơi này được nhà máy nước hút lên, chăm chế, trả lại đường nước phông-tên, quay lại với vòi rửa, vòi sen, “ký thác” cả trong nước đóng chai, nước giải khát, thức ăn...
Phần khác, đường đời trắc trở hơn, lọt vào bụng tôm, cá, hàu, sò, cây thủy sinh, chim muông, và rồi cũng sắt son quay lại…bàn ăn chúng ta. Một vòng đời oan nghiệt của chuỗi thức ăn mang tên vi nhựa. Sự ngặt còn nằm ở chỗ đám thủy tộc, chim trời, “có mắt như mù” y chang chúng ta, không phân biệt được đồ nhựa với thức ăn, thấy tí ti là đớp ngay!
Chủ yếu đổ bộ từ đất, nước, nhưng ngã không khí thì microbead chẳng bệnh gì cữ. Trong từng hơi thở, không chỉ PM2.5, chúng ta còn hít thở chung một bầu không khí dày đặc hạt vi nhựa. Như đã nói, với việc hạt vi nhựa là đất cắm dùi của vi khuẩn gây bệnh, hệt như hàng triệu “đĩa petri” cấy vi trùng chết dở, việc hít phải microbead, xem ra, “chết ở trong lòng một ít” gấp mấy lần bụi mịn.
Cực dai và cực cứng đầu
Thật ra, thứ làm nên số má của microbead so với đám đông chính là sự sống dai và cứng đầu của chúng. Thời gian bán hủy của hạt vi nhựa hơn 100 năm. Đại để, đứa bé sơ sinh làm rơi ti giả có vi nhựa ra bãi cỏ, thì phải đợi nó sống tới bách niên, cái ti mới tiêu hết một nửa.
Sự lì lợm còn giúp Microbead qua mặt trong vòng nốt nhạc hầu hết phương tiện xử lý, nhất là xử lý nước. Vậy mới nói, nước máy, nước đóng chai, còn lủ khủ vi nhựa thì còn nước non gì nữa…
Nghèo mắc cái eo!
Nghèo mắc cái eo cho bách tính còn ở chỗ vi nhựa, khi ra biển lớn, trở thành hàng tỉ “chiếc bè viễn dương” cho đám vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào và sinh sôi. Một mình microbead đã chịu trời không thấu, giờ, người về từ giang hồ, còn vác theo băng đảng quy hồi.
Hồi mã thương từ rác nhựa
Nhắc kẻo quên, cú hồi mã thương microbead từ rác thải nhựa, là cú vỗ mặt chủ lực vào sức khỏe chúng ta. Hằng ngày, từ đứa bé bú tí đến ông già sắp xuống lỗ, đều đặn ném vào mẹ thiên nhiên vô thiên lủng microbead , để rồi, nhận lại xem xem, đến độ, một thống kê ví von cho biết, mỗi ngày, đổ đồng, chúng ta “xơi” một lượng vi nhựa đủ làm một ...chiếc thẻ tín dụng. Ê cả mình, khi được nhận một “khoản tiết kiệm” bứt gân như vậy.
Hại đủ đường
Kể lể xong, vậy, vi nhựa hại người ra sao mà xoắn cả lên? Với khả năng luồn lách, lọt vào máu, vượt hàng rào phổi/tim/não, thì căn vào gương tày liếp của bụi mịn tất rõ vi nhựa bức hại hô hấp, miễn dịch, thần kinh, ung thư ra sao.
Riêng ung thư, hiện còn tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, quá vội nếu chụp cái tội tày đình “trời kêu ai nấy dạ” cho vi nhựa. Để microbead kích được tế bào ác tính, cần thời gian và liều lượng phơi nhiễm nhất định. Tuy vậy, kiểu gì, với chúng ta, những người phải “xơi” thẻ tín dụng hằng ngày, thì việc mở to mắt dè chừng vi nhựa là việc chẳng đợi mời mới làm.
Nhớ đọc kỹ nhãn hàng
Khó bằng trời để nhìn ra vi nhựa đến từ đất, nước, nhưng hoàn toàn có thể nhìn thấu tâm can những sản phẩm vệ sinh mà chúng ta dùng hằng ngày. Nếu không tận mục sở thị hạt vi nhựa làm màu trong sản phẩm, hãy chịu khó đọc bảng thành phần. Dễ đoán nếu tìm thấy mấy chữ polyethylen, polypropylene, polystyren, PLA..., trong đó thì không trượt phát nào, sản phẩm có xài vi nhựa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận