Từ khi Lưu Bị một mực làm theo ý mình dẫn quân chinh phạt nước Ngô đã khiến vận mệnh của nước Thục đi tới kết cục suy thoái, diệt vong. Gia Cát Lượng là người hiểu rõ điều này nhất, nếu chinh phạt nước Ngô vào lúc này thì hoàn toàn là hạ sách, là hành động ngu ngốc, tự lao đầu vào chỗ chết.
Nhưng Lưu Bị là hoàng đế, Gia Cát Lượng cũng không thể nào thay đổi được ý định của ông. Cuối cùng chỉ có thể bất lực chấp nhận. Sau cùng, Lưu Bị đem theo một nỗi bực dọc to lớn đi đánh trận, quả nhiên là thảm bại. Đối mặt với quân đội hùng mạnh mà mình khó khăn vất vả lắm mới thành lập nên được đã bị hủy hoại trong chốc lát, Lưu Bị tinh thần suy sụp, từ đó mà lâm bệnh nặng, sau cùng qua đời ở Bạch Đế Thành.
Trong lúc hấp hối, việc quan trọng nhất là bàn giao mọi chuyện, mình chết rồi thì nước Thục phải làm thế nào mới xoay chuyển được? Phải làm thế nào mới vận hành được một cách tốt nhất? Đây chính là vướng bận lớn nhất trong lòng ông.
Ngoài việc dặn dò con trai Lưu Thiện của mình, ông còn cho gọi Gia Cát Lượng tới. Sau khi nhận được lời triệu kiến của Lưu Bị, Gia Cát Lượng quỳ gối trước giường bệnh của Lưu Bị, nhìn Lưu Bị tiều tụy ốm yếu vì bệnh tật, ông thấy nhoi nhói trong tim.
Lưu Bị thều thào nói với Gia Cát Lượng rằng: “Tài năng của ông hơn Tào Phi rất nhiều, chắc chắn sẽ làm nên việc lớn. Nếu như con trai Lưu Thiện của ta có thể nâng đỡ thì hãy nâng đỡ cho nó. Nếu như nó bất tài, vậy thì ông có thể tự mình thay nó xưng đế, với bản lĩnh của ông có thể thống nhất được thiên hạ”.
Lúc này Gia Cát Lượng vốn đã hoang mang, lo lắng, nhất là khi nghe mấy câu cuối: “Nếu nó bất tài thì ông hãy thay thế nó làm vua”. Nếu như Gia Cát Lượng tỏ ra rất kích động nói rằng: “Bệ hạ yên tâm, nước Thục có thần chống đỡ, con trai ngài nếu như thực sự không có năng lực, tôi chắc chắn sẽ dựa theo lời của bệ hạ thay cậu ấy làm vua, thống nhất thiên hạ”, e rằng người chết trước có lẽ chính là Gia Cát Lượng chứ không phải là Lưu Bị.
Rất may rằng lúc này Gia Cát Lượng cực kỳ tỉnh táo, không hề xảy ra sai sót gì. Nghe Lưu Bị nói vậy, lập tức quỳ rạp xuống đất, vừa khóc vừa nói rằng: “Bệ hạ, thần nhất định sẽ dốc hết sức phò tá Thái tử. Thần tuyệt đối không dám có suy nghĩ sai trái, quá phận của mình!”.
Gia Cát Lượng biết rõ rằng, mỗi một chữ ông nói ra lúc này đều cực kỳ quan trọng, không được có chút sai lệch nào. Hồi nhỏ, Lưu Bị chơi đùa với những người bạn ở quê của mình đã tỏ ra ý định muốn làm vua. Khó khăn lắm mới lập nên được chính quyền của nhà họ Lưu, sao có thể dễ dàng nhường giang sơn cho người khác chứ?
Tuy Gia Cát Lượng rất tài giỏi, Lưu Bị cũng rất coi trọng ông, nhưng dẫu sao quân thần vẫn có sự khác biệt. Gia Cát Lượng hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai, Lưu Bị nói những điều này chỉ là những câu khách sáo và để thử lòng Gia Cát Lượng.
Hơn nữa, suy nghĩ này của Lưu Bị đã thể hiện không chút giấu giếm gì trong chính cái tên mà ông đặt cho con trai mình. Tên của hai người con trai Lưu Phong, Lưu Thiện ghép lại thành “Phong Thiện” (thực hiện lễ tế bái trời đất thần linh của các vị vua thời cổ đại).
Đây là việc mà chỉ có nhà vua mới có thể làm, hơn nữa phải là những vị vua có công lao, thành tích cực lớn mới có tư cách làm việc này. Lưu Bị từ lâu đã bộc lộ rõ ràng suy nghĩ bá vương của mình, quyết tâm không thể không xưng đế.
Có thể thấy trước khi qua đời, nói những lời này với Gia Cát Lượng đều là giả tạo! Gia Cát Lượng cũng là người thông minh, đương nhiên hiểu rõ hàm ý bên trong, thế nên mới nhanh chóng thể hiện rõ thái độ, lập trường của mình.
Tuy Lưu Bị chỉ nói vài câu ngắn ngủi với Gia Cát Lượng, nhưng uy lực lại rất lớn, cũng đủ để nhận thấy trí thông minh của Lưu Bị. Vì Gia Cát Lượng biết rằng, nếu như ông làm trái lại lời thề mà ông đã nói trước mặt Lưu Bị lúc lâm chung, sau này cho dù ông có làm hoàng đế thì danh dự của ông cũng đã không còn gì trong thiên hạ nữa cả, sẽ phải chịu những lời mắng nhiếc cả ngàn năm của người đời. Vì thế, Gia Cát Lượng không dám soán ngôi cũng là vì muốn bảo toàn thanh danh của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận