Thăng bằng mềm, thăng bằng cứng
Nói đến mất thăng bằng, người ta nghĩ ngay đến hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp tư thế đứng, Meniere, Migraine, thiếu máu não, tiểu não, đặc biệt rối loạn tiền đình... Thật ra, giữ cho người “thượng lộ bình an” trên đôi chân của mình cần cả thê đội hiệp đồng từ giác quan, thần kinh, đến đám chạy việc cơ, xương, khớp... Có nghĩa, đứa xô ngã các cụ không chỉ mỗi tiền đình - ốc tai cùng đồng mưu, tạm xếp vào nhóm “thăng bằng mềm”, mà còn có thể do tay của nhóm “thăng bằng cứng”.
Bài này, tập trung bàn nhóm bị cáo “cứng”, vốn hay bị bỏ qua trong các phiên hồi tố té ngã ở người già.
Chân trụ trước đã
Bắt đầu ngay với “giàn đồng” cơ/xương/khớp. Cả khi chẳng hoa mắt, chóng mặt tẹo nào nhưng để hẫng chân trụ, các cụ vẫn té ngã cầm canh. Suy ngược, lỡ có xây xẩm, mà gân cốt cứng cáp, các cụ vẫn có thể gượng được hoặc có té cũng đỡ vài ba phần bưu đầu sứt trán. Trong mọi cuộc kiểm tra thăng bằng cho các cụ, đừng quên lượng giá sức chống chịu cơ/xương/khớp, nếu cần cả điểm số về xúc giác, đặc biệt tại hai chân và tận bàn chân. Oan gia, xương đùi, thứ cứng cựa nhất nhì của giàn xương, lại là bệnh binh phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả trong các vụ té ngã của người già.
“Giàn đồng” vừa thiếu vừa yếu
Nhẵn mặt, mấy thứ thường quất sụm chân trụ các cụ gồm thoái hóa khớp, loãng xương, thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, rối loạn cảm giác thần kinh ngoại biên, Parkinson…Ngoài ra phải tính lỗi từ các vệ tinh cổ, gáy, lưng, mông. Đơn cử, sợ hãi cơn đau do thoái hóa cột sống khiến các cụ tự động gồng mình bất động thắt lưng khi đi lại, vô tình vô hiệu hóa trợ thủ đắc lực của thăng bằng.
Người dẫn lối mắc thông manh
Thị lực là một tay bo nặng ký khác xếp được cả hai nhóm “mềm” lẫn “cứng” của thăng bằng. Mắt đã kém thì còn soi lối, hiệp đồng được cho ai. Mắt mũi kèm nhèm dư bộn trong các ca gãy xương đùi, tụ máu màng cứng ở người già. Lão/nhược/loạn/cận/viễn thị , cườm khô/ướt, thoái hóa điểm vàng, ruồi bay/đục dịch kính, đủ món làm mờ mắt cụ ông cụ bà. Lại nhắc, trong phiên kiểm tra thăng bằng, đừng quên hỏi thăm bác sĩ nhãn khoa, cũng như cập nhật lại đi-ốp cặp kính cho các cụ. Oái ăm là tai, bản doanh của cơ quan tiền đình, rất hay bị đổ vấy, nhiều khi chỉ dự phần làm té ngã các cụ như một thứ để gác ....gọng kính cho đích phạm.
Cột sống order của người già
Chu đáo thì đừng bỏ qua cả việc đầu tư... gậy chống cho các cụ. Như “cột sống thứ hai”, gậy chống rất cần duy tu bảo dưỡng. Phần nhiều, ba-toong được làm sẵn, khó đạt tương thích 100%, nên thường các cụ phải nhón, khòm một ít . Nhiều cụ dùng loại khung chống có bánh xe, khó tin, có cụ té sấp mặt vì bánh xe lâu ngày bị kẹt .
Thăng bằng... tâm lý
Thành viên hai mang sau cùng không thể bỏ qua, là tâm lý tuổi già! Cô đơn, lú lẫn, Alzheimer, khó tính, bất đồng, bi quan, chung tay làm xao nhãng đầu óc, lạc nhịp bước chân, lệch hướng con mắt và mất thăng bằng cơ thể, lại bắt nguồn từ mất thăng bằng tinh thần. Không đùa, thống kê chỉ ra chiếm số đông trong các ca té gãy xương đùi là các cụ có cuộc sống tinh thần không được viên mãn.
Ngã đâu đứng dậy chỗ đó
Nếu xác định thủ phạm là “thăng bằng cứng” thì hãy tập trung vào chúng. Câu nệ, đổ công của vào mấy thứ “ai cũng biết là ai đấy” rối loạn tiền đình, thiếu máu não...nhiều khi là cách mở đường cho lần...té ngã kế tiếp của các cụ.
Một lần ngã, cơ hội đứng dậy có thể không còn
Lần kiểm tra thăng bằng cho ông, bà, cha, mẹ gần nhất của bạn là lúc nào? Nhiều người có thể phải giật mình với câu trả lời không suôn sẻ. Tuy vậy, không bao giờ muộn, và đừng quên đầy đủ hai mục “mềm” lẫn “cứng”. Người già, chỉ một lần ngã là có thể không bao giờ còn cơ hội sửa sai. Đẹp nhất, nên áp ngay mục kiểm tra thăng bằng vào chương trình khám bệnh định kỳ của các cụ.
Không đợi mất trâu mới làm chuồng
Tập luyện là cách giúp các cụ gia cố “thăng bằng cứng”, không đợi mất trâu mới làm chuồng. Người già không đủ cơ chơi thể dục, thể thao, gym, fitness, yoga, nhưng các bài rèn cơ bản vẫn đủ “sở hụi” bởi mục tiêu là luyện phối hợp cơ, xương, khớp cho ê kíp thăng bằng. Nhiều kiểu tập thăng bằng (đứng trên một chân, ngồi trên bóng...), đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh, thái cực quyền… Nên tham vấn trước bác sĩ, hoặc được hướng dẫn chuyên môn trực tiếp càng tốt . Ban đầu nên kèm người thân, sau có thể tự lực hoặc tập theo nhóm để các cụ trông cho nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận