Có thất thập cổ lại hi thì chắc cũng không ai dám nghĩ những câu từ “í ẹ” này này lại được viết thành ca khúc. “Không gian như đang tối lại vì đồng hồ điểm giờ/ Nghe đâu xung quanh có tiếng thở dài mà chẳng hiểu là của một ai/ Và rồi cả hai lao vào rên hét lên, rên/ hét lên, rên, hét lên hai thân thể đầy mồ hôi/ Mặc cho cô ta kêu la gào thét lên, gào thét lên/ chắc không một ai sẽ phát hiện, đời giả dối mà” (trích lời ca khúc Censored của rapper Chị Cả).
Khi bị chỉ trích, Chị Cả bảo rằng đây là một trong những ca khúc nằm trong chuỗi sáng tác phản ánh hiện thực đời sống, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống với ngôn ngữ mang tính châm biếm?!
Nhưng, sự phản cảm này vẫn chưa là gì so với tư duy lệch lạc, có phần phản cảm trong các câu hát: “Mua cho con chiếc còng tay/ Nâng con dâu vào phòng bay/ Ta sẽ thay thế chồng con/ Tương lai con thêm vàng son/ Nhịp tim tăng, chim cun cút bắt đầu đi săn/”...
“Âm nhạc thì phải đẹp đẽ” với sứ mệnh lan tỏa năng lượng tích cực, tràn đầy yêu thương. Nhưng hãy nhìn những ca khúc được nhiều bạn trẻ hồn nhiên lan tỏa này trên mạng xã hội như trên, âm nhạc đang bị biến thành một mớ giẻ lau bẩn thỉu.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ quan điểm: "Năm 2018, mình từng nói rằng nếu chúng ta cứ dễ dãi xuề xòa với những cái tên bài hát gây sốc thì rồi sẽ có những bài hát gây sốc toàn diện cả nội dung lẫn ca từ. Và chúng ta đã thấy những điều thật sự tệ hại đang diễn ra".
Trước đó, các ca khúc của Bình Gold cũng bị đề cập đến trong chương trình Đối Diện: Dọn rác trên không gian mạng của Đài truyền hình Việt Nam vì là những sản phẩm "rác" đang được lan truyền mạnh mẽ ở mạng xã hội.
Nhắc đến Bình Gold, khán giả lập tức nghĩ tới rapper chuyên có những ca khúc về chủ đề ăn chơi, câu từ táo bạo như: Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay...
Tình trạng ca khúc phản cảm, dung tục không có dấu hiệu dừng lại khi nó vẫn giúp cho vài cá nhân đạt được mục đích “gây chú ý”. Liên tục có những ca khúc bị chỉ trích vì ca từ được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra mắt và theo nhận định của giới chuyên môn, ca khúc như vậy không chỉ làm xấu thị trường âm nhạc mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả, đặc biệt trẻ nhỏ.
“Người làm văn hóa phải có phông văn hóa” là điều kiện hiển nhiên, ấy vậy nhưng nhiều thứ đang đi ngược lại. Thanh âm của "giẻ lau nhà" mãi mãi không thể trở thành nốt nhạc trên phím đàn piano.
Thời nào cũng vậy, âm nhạc, ca khúc là món ăn tinh thần và thường thể hiện cái đẹp nhiều hơn. Dùng ngôn từ dung tục rồi nhân danh đó là “cái tôi” là một lối suy nghĩ lệch pha khó cứu của nhiều “tác giả” trẻ hiện nay.
Chẳng phải chỉ ở ta mới “khắt khe” thế mà ngay cả ở Tây cũng không chấp nhận một thứ âm nhạc ấu trĩ, dung tục. Tờ The Hill đưa tin một thị trấn biển ở Nam Carolina (bang thuộc phía Đông Nam của Mỹ) đang hạn chế âm nhạc thô tục sau khi cư dân địa phương phàn nàn về việc vô tình nghe thấy những ca khúc có ca từ tục tĩu phát ra từ một cơ sở kinh doanh.
Người dân không hài lòng khi con cháu của họ có thể nghe những ca khúc như thế. Chính quyền sau đó nhất trí hạn chế thời gian và địa điểm phát những ca khúc có phần lời không phù hợp với khán giả đại chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận