Khảo cứu về 'cái cười'

TÁM BÔN XA

Đăng lúc 06:32 | 21/01/2023

Cười là đặc sản của con người. Có người cho rằng còn có con bò cười, con chuột cười. Đúng nhưng chỉ trên hình ảnh, ai thấy mấy con vật đó cười ngoài đời thì...

Cười có muôn ngàn kiểu. Cười trừ, cười mím chi, cười ruồi, cười gượng, cười ha hả, cười khúc khích... Cười đặc biệt truyền được cái vui vẻ, cái sung sướng từ người này sang người kia. Ông bà ta có câu "Vợ cười êm cửa êm nhà/Bả mà trừng mắt, ắt là... nguy to!". Còn mấy ông râu quặp quanh năm, muốn có một lần "ăn hiếp vợ" thì chỉ có một câu nói "truyền thống" truyền qua nhiều đời là "tiền nè cất đi!", là vợ cười rất tươi mà không cự nự như mọi khi. (Ông nào không tin hai vụ này xin giơ tay và cho Tám tui số phôn để ít bữa tui... tới học hỏi!).

Nhân nói về phụ nữ, xin nói thêm một chút. Phụ nữ là thế giới hòa bình nha, nhứt là phụ nữ đẹp. Các bạn quên Bao Tự rồi sao? Mỗi lần bả cười là thiên hạ náo loạn chớ không à. Nhưng tại sao mấy người đẹp ấy lại ít cười? Xin quý vị xem hồi sau sẽ rõ.

Cười là gì?

Các nhà triết học nói rằng cười là hoạt động trung tính của con người giữa khóc và làm thinh. Một nhà hiền triết Ấn Độ, có 40 năm khảo cứu về cái cười, đã kết luận rằng "cười là phản động lực của bao tử". Khi nào những thớ thịt của bao tử làm việc thì có hai đường gân chạy dài theo ống dẫn đồ ăn lên tới hai bên mép rung động làm cho hai cái môi nhúc nhích. Lúc đói bao tử teo lại là người ta cười, gọi là cười gượng. Lúc bao tử giãn ra, cái cười mang tên là cười xòa. Có lẽ vì hơi ở bao tử tràn ra nên có tiếng xòa!

Còn nhà sinh lý học thì dứt khoát nói cười là hoạt động gắn liền giữa bao tử và cái miệng. Khi bao tử được đổ đầy đồ ăn thì cái miệng sẽ cười được. Còn ngược lại, khi bao tử chỉ đầy hơi, có cảm giác cồn cào thì không thể cười được. Nếu cố gắng cười thì cái miệng sẽ méo xệch.

Còn các nhà xã hội học thì đóng đinh rằng: Cười liên quan mật thiết đến cái túi. Họ nói rằng, khi cái túi nặng tiền thì nụ cười thường xuyên xuất hiện, còn túi không có xu nào thì rất khó kiếm được nụ cười trên miệng của người ấy. Nhưng họ cũng nhắc nhở rằng, khi túi quá đầy thì đừng cười nhiều quá.

Đơn cử trường hợp một ông nào đó ở Trung Quốc trúng số độc đắc ông cười thiệt đã đời làm như chưa được cười bao giờ. Và kết quả là do cười quá độ dây đời của ông bị đứt, phải về bán muối với tổ tiên. Không thấy nói tiền trúng số của ông nọ ai lãnh!

Nhà "rảnh rỗi học" ở nước ta lại nói cười là kết quả của sự ở không! Bởi vì rảnh quá nên họ mới làm ra báo Cười để chọc cho thiên hạ cười bằng nhiều kiểu như: cười gắt, cười gượng, cười ha hả... để trám bớt những chỗ ở không của bao tử và cái túi.

Nói chung cái cười có thiên hình vạn trạng, biến hóa như Tề Thiên Đại Thánh có 72 phép thần thông.

Khảo cứu về cái cười - Ảnh 1.


Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Vậy mà ở nước ta, các bậc tiền nhân dám nhứt định "Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Các nhà hiền triết thời nay còn thêm mắm dặm muối vô. Nào là cười sẽ làm cho tâm hồn trẻ lại, các tế bào hưng phấn giúp cho điện giải trong cơ thể tốt hơn làm cho da căng lại, tàn nhang trốn mất, mấy nếp nhăn ở đuôi mắt biến đi... Nhưng mấy ông bà ấy quên rằng, đã là thuốc bổ thì uống vô nhiều quá cũng có hại cho sức khỏe, nhứt là đối với những người thừa bơ, dư mỡ.

Thời nào cũng vậy, các nhà làm chính trị luôn giữ bộ mặt lạnh lùng như bị mất sổ gạo. Bởi vì họ không dám cười. Cười hoài bổ lắm sẽ làm cho bụng họ phệ ra, rồi mấy thằng họ cao nối nhau tới là cao đường, cao máu (còn gọi là cao huyết áp), cao mỡ. Mấy thằng họ cao nầy tới nhà ai cũng bị đuổi như đuổi tà vậy. Hễ cười nhiều là nó nhào tới khỏi cần mời mọc nên đâu ai dám cười.

Còn mấy bà, xin nói tiếp vụ phụ nữ ở trên, xưa nay đều thích diet, thích eo thon. Bởi vì "eo có thon thì chả mới ôm". Các nhạc sĩ xứ ta đã viết "người em nho nhỏ", "thấy em nhỏ xíu anh thương". Nhỏ ở đây chính là "cái eo, cái vòng hai nó nhỏ". Chớ em nhỏ đều, nhỏ toàn tập mà anh ôm thì ba má em kêu lính bắt anh là cái chắc. Thử nghĩ, em nào có vòng hai một thước,

một thước hai anh nào dám ôm? Ôm cả hai tay còn chưa hết nói chi một tay. Phải nhỏ cái vòng hai thì anh mới "dìu em vào mộng" được chớ! Chính vì cái nhỏ đó mà mấy bà mấy cô xưa nay phải cười ít, nếu có cũng cười mím chi, cười ruồi thôi. Chớ cười nhiều quá, bổ quá thì sẽ có câu hát rằng "thấy em một tạ/tạ rưỡi anh thương".

Một câu hát như vậy thì bài hát chết từ vòng gửi xe là cái chắc. Tác giả ra không bị rỗ mặt vì bị phun nước miếng khi ra đường thì về nhà cũng bị chết khô trên sa lông!

Cười còn mang tính tập thể rất cao. Thông thường thì người ta cười ai, cười với ai chớ hiếm khi cười một mình. Những người thường cười một mình rất khó gặp bởi họ vô cư trú ở Bệnh viện Chợ Quán hoặc Nhà thương điên Biên Hòa. Mà thông thường, hễ có người cười là có người buồn hoặc cười gượng. Thôi thì hãy cười lên nhưng nhớ đừng cười một mình hay cười nhiều quá mà có hại cho thân thể.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình