● Nghe bảo phòng phun khí dung cũng là ổ lây nhiễm COVID-19 có số. Sao chưa thấy cảnh báo các bà mẹ?
- Khí dung dùng trong điều trị bệnh hô hấp ở trẻ, là thứ lây lan COVID-19 chứ không phải bụi khí, như “phốt” xôn xao một thời. Một F0 nhí ngồi phun khí dung thì cả phòng chờ, diện tích trên dưới 2x2 m2, cơ bản mỗi người một “vé”. Mặt nạ khí dung còn là bề mặt giọt bắn đáng nể. Chưa ghi nhận ổ dịch phòng khí dung nào, nhưng kịch bản nhóc tì sốt, ho, tiền sử hen suyễn, được y tá phòng khám quen chụp ngay mặt nạ khí dung vào mũi mà bỏ qua khâu “điều tra dịch tể” COVID-19, hẳn đã và sẽ diễn ra dài dài.
● Tôi sốt và có vấn đề họng, được cho làm RT-PCR. Đây là xét nghiệm COVID-19, người ta nghi tôi là F0, F1 hay trốn cách ly chăng?
- RT-PCR là xét nghiệm ăn khách, vạch mặt virus đến tận DNA. Thời thế tạo anh hùng khiến “chế” bị nhầm là xét nghiệm chuyên COVID-19. Thật ra hàng chờ RT-PCR tín thác dài cả cây số, đủ mặt virus (HIV, HBV, HCV, Dengue, HPV, H5N1...), vi khuẩn (chlamydia, mycolasma, giang mai...), độc tố, gen, ung thư... Nếu có vấn đề vòm họng thì nhiều khả năng HPV/u nhú là đích của RT-PCR.
● Tình hình điều trị COVID-19 bằng huyết tương đến đâu rồi ạ? Nghe các “chém vó” cà phê kháo nhau mấy ca F0, F1 chịu đi bán máu thì không chừng khá ...
- Huyết tương điều trị, tức dùng kháng thể của người khỏi bệnh cho người đang bệnh, là hướng đi nhiều mong đợi. Từ đây, có ý “mừng” càng nhiều F0 qua khỏi càng tạo phúc. Có cả gợi ý về tiềm năng “thương mại hóa” huyết tương. Hiện nguồn cung chủ yếu qua hiến tặng, nhưng không mấy suôn sẻ, bởi nhiều khúc mắc, trong ngoài chuyên môn. Không phải kháng thể bên cho nào cũng ăn nên làm ra, không phải cơ thể bên cầu nào cũng gật đầu tiếp nhận. Người cho phải “thề có bóng đèn” không tặng kèm bệnh truyền nhiễm, kể cả COVID-19 giấu mặt. Trước mắt, hiệu quả huyết tương điều trị còn rất hạn chế, nên ý “ hiến máu cứu đời tranh thủ cứu túi tiền” phải còn chờ vận hội lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận