Bộ phim võ thuật kinh điển Hoàng Phi Hồng (1991) của đạo diễn Từ Khắc với sự góp mặt của Lý Liên Kiệt đã trở thành tác phẩm yêu thích của khán giả.
Màn trình diễn võ thuật của Lý Liên Kiệt trong bộ phim này đã đưa tên tuổi nam diễn viên đến được với thị trường Hollywood và được so sánh với 2 ngôi sao võ thuật đình đám là Lý Tiểu Long và Thành Long.
Trong đó, cảnh chiến đấu cuối cùng của Lý Liên Kiệt với kẻ thù của mình trên những chiếc thang tre trong nhà kho đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Nhưng ít ai biết, được những cảnh quay đó là do 3 diễn viên đóng thế cho Lý Liên Kiệt mới có được những cảnh quay mãn nhãn như thế. Lý do cũng được tiết lộ rằng, trước khi quay trận chiến cuối này, Lý Liên Kiệt không may bị gãy chân, nên không thể tự mình thực hiện cảnh quay nguy hiểm này.
Đây cũng là một trong những bí mật hậu trường mới vừa được tiết lộ trong bộ phim tài liệu Long hổ võ sư do Nguỵ Quân Tử viết kịch bản, đạo diễn kiêm nhà sản xuất.
Bộ phim tài liệu này là một lời tri ân và tôn vinh đến những diễn viên đóng thế bất chấp nguy hiểm, thương tích để thực hiện những cảnh hành động trong phim Hong Kong.
Phim tài liệu Long hổ võ sư đã tiết lộ những cảnh hậu trường hiếm hoi trong các phim Kungfu và các cuộc phỏng vấn với hàng chục diễn viên đóng thế, chỉ đạo võ thuật, đạo diễn và ngôi sao võ thuật như: Hồng Kim Bảo, Chân Tử Đan, Trình Hiểu Đông, Từ Khắc,...
Sự hi sinh, đánh đổi của diễn viên đóng thế trong phim võ thuật
Theo SCMP, Nguỵ Quân Tử phải mất 2 năm để xin sở hữu bản quyền cho các clip được sử dụng trong bộ phim, đồng thời quay phỏng vấn ở nhiều nơi khác nhau như: Hong Kong, Bắc Kinh, Phật Sơn và Hoành Điếm.
Nguỵ Quân Tử cho biết, anh đã có ý tưởng làm phim về những diễn viên đóng thế Kungfu sau khi tham dự bữa tiệc năm mới của Hiệp hội diễn viên đóng thế Hong Kong vào năm 2017.
“Tôi thấy các diễn viên đóng thế kỳ cựu toát lên nhiều niềm tự hào và tinh thần anh hùng trong bữa tối ngày hôm đó. Nhưng chủ tịch hiệp hội, Tiền Gia Lạc, nói với tôi rằng họ thực sự rất nghèo.
Tôi xem phim hành động Hong Kong mà lớn lên. Các diễn viên đóng thế có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi muốn làm một bộ phim về họ”, đạo diễn Ngụy Quân Tử thổ lộ.
Nhiều bộ phim được đạo diễn họ Nguỵ nhắc đến trong bộ phim tài liệu của mình là những tác phẩm kinh điển của Hong Kong, được thực hiện trước sự ra đời của các hiệu ứng và kỹ xảo hậu kỳ như phim ngày nay.
Vì vậy, trong bộ phim tài liệu Long hổ võ sư, nhiều diễn viên đã chia sẻ cách họ mạo hiểm để quay những cảnh hành động mãn nhãn mà không hề có hiệu ứng và kỹ xảo hậu kỳ như thế nào.
“Chúng tôi đã mạo hiểm mạng sống của mình một cách vô lý”, Chân Tử Đan chia sẻ trong phim tài liệu.
Chân Tử Đan còn giải thích thêm về việc làm nghề một cách liều lĩnh khi ở giai đoạn đầu của nghiệp diễn: “Để chứng tỏ tôi là người giỏi nhất thế giới về Kungfu, tôi đã làm nhiều điều ngu ngốc.
Tôi không mặc đồ bảo hộ và sẽ yêu cầu đối thủ của tôi trong phim đánh tôi. Nói tóm lại, chúng tôi quan tâm nhiều đến khuôn mặt. Nhìn từ một góc độ khác, tại sao những bộ phim Kungfu cũ thú vị hơn những bộ phim hiện tại là vì văn hóa này”.
Trong khi các ngôi sao hành động nhận được nhiều lời khen ngợi cho sự "điên cuồng" của họ, những đóng góp của diễn viên đóng thế lại không được nhiều chú ý. Tăng Chí Vỹ đã lấy một dẫn chứng trong cảnh quay Kế hoạch A (1983) với cảnh quay Thành Long nhảy từ tháp đồng hồ cao 15m.
“Trước đây, không ai thử quay pha nguy hiểm này. Vì thế, các diễn viên đóng thế phải thử nó trước”, Tăng Chí Vỹ cho biết.
Một thành viên trong nhóm diễn viên đóng thế của Hồng Kim Bảo nhớ lại và cho biết bản thân mình đã ngất xỉu tại chỗ khi thực hiện cảnh quay rơi từ tầng 5 của một trung tâm mua sắm xuống sân trượt băng mà không có bất kỳ tấm đệm nào trong phim Tỉnh cảnh kỳ binh (1984).
Các bộ phim hành động Hong Kong đã có thời hoàng kim từ những năm 1970 đến những năm 1990, giai đoạn mà chúng chiếm lĩnh 2/3 tổng số lượng phim điện ảnh.
Nguỵ Quân Tử giải thích, đó là những thời điểm nguy hiểm đối với diễn viên đóng thế, và đằng sau tiếng hô "Cắt!" trên trường quay thường là những lời kêu cứu giúp đỡ của các diễn viên và đôi khi đó là tiếng còi xe cứu thương.
“Không có biện pháp bảo vệ trên trường quay, khả năng bị thương là rất cao. Vì vậy, các diễn viên đóng thế mở thêm lớp dạy võ để có được bảo hiểm hoặc được chăm sóc một 'anh trai' trong đoàn nếu họ bị thương”, Nguỵ Quân Tử cho biết.
Việc thực hiện bộ phim tài liệu Long hổ võ sư như một cách tiếp cận theo thời gian, cũng như khám phá sự phát triển của ngành công nghiệp diễn viên đóng thế của Hong Kong và làm nổi bật các cột mốc quan trọng của nó.
Sự biến động của dòng phim võ thuật Hong Kong
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, các bậc thầy võ thuật phương Bắc là Vu Chiêm Nguyên (thầy của Thành Long và Hồng Kim Bảo) và Viên Tiểu Điền (cha của biên đạo võ thuật Hong Kong - Viên Hòa Bình) đã rời đại lục đến Hong Kong thành lập trường dạy Kungfu, diễn xuất.
Khi nền kinh tế Hong Kong phát triển vào những năm 1960, sự phổ biến ngày càng tăng của võ thuật và phim hành động thịnh hành hơn. Vì thế, nhiều diễn viên đóng thế chờ đợi cơ hội việc làm hàng ngày tại Du Ma Địa.
Năm 1971, Đường sơn đại huynh của Lý Tiểu Long đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hong Kong vào thời điểm đó, gây ngạc nhiên cho công ty sản xuất Golden Harvest.
Nhưng sau đó, cái chết của Lý Tiểu Long vào năm 1973 đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong bị đóng băng trong 5 năm, khiến nhiều diễn viên đóng thế thất nghiệp buộc phải lái taxi không có giấy phép và thậm chí bán máu để kiếm tiền sống qua ngày.
Sau đó, sự xuất hiện của Thành Long vào cuối những năm 1970 với Xà hình điêu thủ và Túy quyền (cả hai đều được phát hành vào năm 1978) đã báo trước cho thể loại phim hài hành động mới.
Lần lượt, Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan là những cái tên duy trì sức nóng cho các bộ phim hành động Hong Kong trong những năm 80 - 90.
Dẫu vậy, những bộ phim không mấy đổi mới cùng với việc thiếu các ngôi sao hành động trẻ khiến cho những bộ phim hành động, võ thuật Kungfu dần đi vào ngõ hẹp cho đến ngày nay.
Một tương lai mới cho dòng phim võ thuật Trung Hoa
“Họ làm việc chăm chỉ nhưng không tiết kiệm được tiền khi trẻ. Lớn tuổi, họ thường xuyên gặp bác sĩ để khám chữa những vết thương do ảnh hưởng của nghề nghiệp", Tăng Chí Vỹ chia sẻ về cuộc sống của những diễn viên hành động đóng thế trong phim tài liệu.
Nguỵ Quân Tử đã cố gắng ghi lại cuộc sống hiện tại của các diễn viên đóng thế trong bộ phim của mình, nhưng tất cả đều từ chối những nỗ lực của ông. “Giống như những người lính, họ chỉ muốn bản thân tốt nhất và anh hùng nhất của họ trước công chúng", đạo diễn họ Ngụy nói.
Tuy nhiên, bộ phim kết thúc với một hứa hẹn tươi sáng, cho thấy Hiệp hội Diễn viên đóng thế Hong Kong đào tạo các tân binh trẻ của mình như thế nào. Đạo diễn Nguỵ Quân Tử cũng tin rằng tương lai của phim hành động Hong Kong nằm ở Trung Quốc đại lục.
“Cùng với số lượng lớn các vận động viên chuyên nghiệp và các học viên Wushu ở đại lục, nhiều năm kinh nghiệm và kỹ năng được tích lũy bởi các nhà làm phim hành động Hong Kong sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng”, ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận