Trong chương trình Chân dung cuộc tình chủ đề về những tình khúc của nhạc sĩ Hà Phương, ca sĩ Phi Nhung, Chế Thanh, Thùy Trang... góp mặt và cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp về những ca khúc nổi tiếng như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Em về miệt thứ, Bông điên điển....
Nhạc sĩ Hà Phương sinh năm 1938, sống ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông mang cái tên định mệnh với ý nghĩa phiêu du sông hồ. Sau những ngày tháng xa xứ, nơi dừng chân của ông lại chính là quê nhà Mỹ Tho, chốn tỉnh nhỏ thân thương, để rồi từ đây những bản tình ca ra đời và làm nên một sự nghiệp sáng tác rạng rỡ.
Bao năm sống bình yên nơi tỉnh nhỏ ấy, ông âm thầm kể lại một phần cuộc đời, một phần những cuộc tình qua những bản tình ca được công chúng khắp nơi yêu thích, được các danh ca hàng đầu thể hiện.
Trước 1975 có chùm ba ca khúc về mưa: Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua của Hà Phương được đông đảo khán giả yêu thích. Nam nhạc sĩ viết ba ca khúc này khi ông chìm đắm trong cuộc tình với một người ca sĩ tại vùng tỉnh lẻ tên là Ngọc Lan.
Hàng đêm trên sân khấu, nhạc sĩ Hà Phương đệm đàn cho nữ ca sĩ ấy. Khi màn nhung khép lại cũng là lúc cả hai đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ. Cuộc tình sau đó dù không thành, nhưng cũng để lại quá nhiều kỷ niệm sâu sắc cho người nhạc sĩ.
Tiếp tục những năm tháng của tuổi xế chiều, Hà Phương cho ra đời loạt ca khúc mang âm hưởng dân ca và lại thành công rực rỡ như: Bông điên điển, Em về miệt thứ, Bông lục bình… Người nhạc sĩ ấy đã gắn bó với nơi chốn thân thương của đời mình và trả ơn chốn tỉnh nhỏ ấy bằng những giai điệu và lời ca không thể nào quên.
Nữ ca sĩ Phi Nhung thời điểm ở hải ngoại đã thu âm nhiều bài hát của nhạc sĩ Hà Phương như: Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua, Chiều mưa qua sông, Bông điên điển, Em về miệt thứ.... Phi Nhung góp mặt tại Chân dung cuộc tình và trình diễn lại ca khúc làm nên tên tuổi chính là Bông điên điển.
“Lúc còn ở bên Mỹ, tôi nghe chị Hương Lan hát và yêu thích ca khúc này rất nhiều. Thời mới đi hát, còn chưa biết bông điên điển là bông gì vì ngày trước nhà tôi ở miền núi. Tôi đã lấy bông bụp minh hoạ thành bông điên điển trong các sản phẩm.
Năm 2000 về Việt Nam, tôi xuống miền Tây làm từ thiện, khán giả nhận ra Phi Nhung hát bài Bông điên điển. Tối đó, khán giả mang cho tôi một cái lẩu cá bông điên điển, kỷ niệm đó tôi nhớ suốt đời”, Phi Nhung xúc động kể.
Cô nói thêm: “Sau này, tôi về miệt thứ, hát trên cồn cao, bầu sô nói tôi hát ba bài nhưng khi vào sân khấu khán giả không đồng ý, bắt buộc tôi phải hát đúng sáu bài của chú Hà Phương là Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua, Chiều mưa qua sông, Bông điên điển, Em về miệt thứ. Bầu sô chạy ra chắp tay lạy nhưng khán giả không chịu, nên tôi hát sáu bài đó phục vụ bà con mới chịu cho về".
Cũng trong chương trình, các sáng tác nổi tiếng của Hà Phương đã được dàn ca sĩ trẻ, tài năng của dòng nhạc Bolero như: Dương Hồng Loan, Henry Ngọc Thạch, Thùy Trang thể hiện lại.
Tập 3 Người kể chuyện tình về chân dung nhạc sĩ Hà Phương sẽ lên sóng THVL1 vào lúc 21h tối thứ tư (21-7).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận