Tây Du Ký là bộ phim tuổi thơ của nhiều khán giả từ trẻ đến già, bởi cứ mỗi dịp hè về, bộ phim về thầy trò Đường Tăng lại được phát lại trên khắp các kênh truyền hình. Nhiều người hâm mộ thậm chí còn thuộc “làu làu” những tình tiết trong bộ phim.
Tuy nhiên, bạn có nhận ra một chi tiết đặc biệt mà đa số khán giả không chú ý đến khi theo dõi Tây Du Ký không? Đó là việc tại sao chú ngựa trắng mà Đường Tăng cưỡi (hay Bạch Long mã) lại luôn đứng ngoài trong hầu như toàn bộ các cuộc chiến?
Nhiều khán giả vẫn thường quên mất rằng, bên cạnh Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, Bạch Long mã cũng là một đồ đệ của Đường Tăng, và là một phần không thể thiếu trong nhóm bảo vệ sư phụ trên đường đến Tây Thiên thỉnh kinh.
Mới đây, một khán giả Trung Quốc đã chỉ ra điểm bất thường trong việc Bạch Long mã không tham gia đánh quái và thắc mắc đó đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cư dân mạng xứ Trung. Câu trả lời thì không ai rõ, nhưng nhiều khán giả đã đưa ra vô số những giả thuyết hài hước mà thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lại khá thuyết phục.
Cụ thể, có tài khoản đã hài hước bình luận rằng vấn đề kỹ xảo cho ngựa thần rất tốn kém, do đó, đạo điễn đành nói không với việc để Bạch Long mã tham gia trận chiến. Có người còn cho rằng: “Chỉ cho bạch mã lương tài xế mà bắt phải kiêm luôn vai bảo vệ sao?”
Đó đều là những cách lý giải nhận được rất nhiều sự đồng tình của cư dân mạng. Đặc biệt, có người còn dí dỏm cho rằng: “Lỡ anh (bạch mã) bị thương thì Đường Tăng phải cưỡi con khỉ sao?” ám chỉ “đại sư huynh” Tôn Ngộ Không sẽ “vô duyên vô cớ” bị bắt làm phương tiện cho sư phụ cưỡi bởi chú ngựa duy nhất đã bị thương.
Nhiều khán giả Việt Nam cũng tích cực bảo vệ cho chú ngựa đáng thương này bởi những lý thuyết hài hước khác nhau. Có người cho rằng Bạch Long mã nguyên là Thái tử của Long Vương nhưng chấp nhận để Đường Tăng cưỡi lên lưng đã là nể mặt lắm rồi, nên sẽ không có chuyện anh chịu “động tay động chân” thêm nữa.
Người khác thì “đòi lại công đạo” cho Bạch Long mã rằng: “Để sư phụ ngồi trên lưng muốn thoái hóa cột sống, đi đường cũng mệt lả người rồi mà còn bắt anh đánh nhau nữa!” Người lại cho rằng Bạch Long mã thật ra đang giận dỗi vì khi bốn thầy trò còn lại được quây quần ăn cơm thì mình vẫn phải còng lưng ngoài chuồng để ăn cỏ.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng tinh ý chỉ ra thật ra Bạch Long mã từng tham gia đánh quái vài lần. Tiêu biểu trong số đó là lần hóa thân thành một thiếu nữ để đối phó với Hoàng Bào quái ở tập 11. Sau đó, anh còn lập công lớn khi báo với Trư Bát Giới việc sư phụ đã bị yêu quái biến thành hổ.
Bạch Long mã (hay Tiểu Bạch Long), nguyên là Tam Thái tử - con trai của Tây Hải Long vương. Do một lần làm hỏng báu vật của Ngọc Hoàng Thượng Đế ban tặng, anh bị biến thành ngựa, phò giá Đường Tăng đi thỉnh kinh để chuộc lại lỗi lầm. Bên cạnh đó, hình ảnh chú ngựa trắng trong Tây Du Ký kết hợp với con khỉ (Tôn Ngộ Không) cũng thể hiện triết lý tâm viên ý mã (tâm vượn không định, ý ngựa khó theo) sâu xa trong Phật giáo.
Tây Du Ký là bộ phim truyền hình ra mắt năm 1986, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Phim kể về hành trình đến Tây Thiên thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang (hay Đường Tăng) với sự phò giá của bốn đồ đệ.
Với nội dung sâu xa và thú vị, Tây Du Ký đã trở thành tượng đài trong lòng nhiều khán giả lớn bé, nhiều thế hệ và có vô số những phiên bản làm lại khác nhau. Tuy nhiên, phiên bản năm 1986 vẫn là phiên bản gây được nhiều tiếng vang nhất trong lịch sử của bộ phim này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận