Ngay trên sân khấu Dấu ấn huyền thoại tập 4, khán giả được quay về và đắm chìm trong không gian cải lương những năm 60, 70 của một người con xứ Quảng trót yêu say mê dòng nhạc cổ này mà đồng nghiệp thường gọi với cái tên thân thương là anh Năm – NSND Thanh Tuấn.
Ở cái tuổi lên 7 lên 8, tại mảnh đất Quảng Ngãi thân thương có một cậu bé tên Liêm đã nuôi trong mình niềm đam mê ca hát, đặc biệt là dòng ca cổ cải lương qua chiếc radio. Và với 60 năm gắn bó với cải lương, NSND Thanh Tuấn đã trải qua không ít thăng trầm và ngậm ngùi khi kể lại.
Với năng khiếu thẩm thấu giai điệu cùng sự dìu dắt của thầy Út Trọn, Bảy Trạch, cậu bé mê hát Thanh Tuấn cứ thế từng bước khắc phục chướng ngại về khẩu âm vùng miền, văn hoá và tìm tòi trải nghiệm để tự mình đứng được trên sân khấu cải lương.
Vai kép chính đầu tiên của NSND Thanh Tuấn là trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường và từ đó mở ra thêm nhiều vai diễn cột mốc trong sự nghiệp như Cuối nẻo đường yêu (1965), Cuộc đời Mạc Mậu Hợp, Đường gươm Nguyên Bá, Nỗi lòng Chu Văn An, bài ca cổ Cơn nước lũ (1996), Cơn bão biển (1999)...
Tên tuổi của NSND Thanh Tuấn nổi danh cùng thời với Minh Phụng, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu... Ngoài sân khấu cải lương, Thanh Tuấn được nhiều hãng đĩa thu âm mời đến hát. Thời đỉnh cao sự nghiệp, Thanh Tuấn thu âm đến 500-600 bài, hát thâu đêm suốt sáng. Cứ ban đêm đến hãng đĩa để thu âm còn ngày về sân khấu tập tuồng mới.
NSND Thanh Tuấn Kể: "Anh nhớ là sau năm 1976, 77, 78, 85, 87, 90, có những ngày thu không mệt mỏi mà vẫn phải làm bởi vì phục vụ cho quần chúng nên đành ráng. Bữa nào mà khàn, khan quá, xin phép “Dạ anh chị, cô ơi nay cho nghỉ một bữa, khàn quá.”
Chặng đường 60 năm hoạt động dù gom đủ thăng trầm, buồn tủi nhưng chính nhờ những giai điệu và vai diễn khác nhau trong các vở tuồng đã giúp ông trưởng thành từng ngày để tạo nên người NSND Thanh Tuấn như bây giờ.
Cả một đời người giành hết tình yêu cho cải lương, nó chính như linh hồn của NSND Thanh Tuấn. Ở cái tuổi xế chiều, người nghệ sĩ ấy vẫn đau đáu, lo sợ cải lương bị mai một đi mất.
Ông nghẹn ngào nói: “Thanh Tuấn rất muốn, rất mong bảo tồn được nghệ thuật cải lương. Thật sự có một thời gian, cải lương đứng chững và xuống quá. Thanh Tuấn cũng như bao anh em nghệ sĩ rất lo sợ, sợ sự mai một. Không biết có còn khán giả thương yêu, có còn đến với cái nghề hát cải lương nữa không?".
Với mong mỏi ấy, ông dành phần lớn thời gian của mình để truyền nghề cho các học viên trẻ tham gia lớp Nghệ thuật ca vọng cổ do chính ông tổ chức và giảng dạy.
Mục đích của ông đơn sơ lắm: "Thanh Tuấn muốn truyền đạt lại cho các em các cháu của thế hệ sau để giữ gìn những cái hay đó cộng thêm những cái hay vốn có của các em để tô điểm cho cái bài vọng cổ phong phú hơn, tươi mát hơn, đẹp hơn. Và hơn hết, để cho người nghe có cảm nhận rằng bài vọng cổ có mới, chứ không đứng một chỗ như ngày nào”.
Cái tâm của người nghệ sĩ không cho phép bản thân được ngừng nghỉ và phải luôn cố gắng. Bởi lẽ NSND Thanh Tuấn tâm nguyện với bản thân: “Thanh Tuấn là người của khán giả - những người yêu thích và cưu mang Thanh Tuấn suốt cuộc đời làm nghề thì giờ đây, còn hơi thở, còn giọng ca thì phải tiếp tục phục vụ. Đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi, không đợi phong hiệu Thanh Tuấn vẫn là nghệ sĩ Thanh Tuấn, không có danh hiệu nào cách chia khán thính giả từng yêu thương".
Với nghệ sĩ, ngày nào còn khán giả là ngày đó vẫn trau chuốt từng vai diễn và cất cao giọng cát cho đời cho người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận