Trong giới nghệ thuật xứ Trung, có một nhân vật mà khán giả gần xa đều biết đến và ngưỡng mộ đó là đạo diễn Dương Khiết. Bà chính là đạo diễn của một trong những tác phẩm kinh điển nhất Trung Quốc Tây du ký.
Thế nhưng, Dương Khiết nhiều năm sau khi trả lời phỏng vấn lại nói một câu khiến cho người ta cực kỳ khiếp sợ về bộ phim làm nên tên tuổi của bà: "Bộ phim Tây du ý chính là nỗi đau đớn mãi trong lòng của tôi. Mười năm qua tôi chưa từng xem nó, tôi nhìn thấy nó liền chuyển kênh".
Tại sao lại vậy? Vì sao một đạo diễn lại chối bỏ đứa con tinh thần thành công nhất đời mình?
Dương Khiết vẫn luôn ẩn mình làm một đạo diễn phía sau hậu trường nên có rất nhiều người không biết rõ bà nhưng ở trong giới nghệ thuật Trung Quốc bà có một địa vị cực kỳ cao.
Được xem là một cái tên đầy danh dự của hội đạo diễn Trung Quốc, Dương Khiết cả đời có thể nói đều là vì nghệ thuật mà phấn đấu. Năm 1982, bà lên kế hoạch sản xuất Tây du ký.
Trước đó, bà từng có nhiều tác phẩm cũng thành công như: Tư Mã Thiên, Phật sống Tế Công,... nên tác phẩm Tây du ký ngay từ khi lập kế hoạch đã được chú ý. Và quá trình quay phim thực tế là khó khăn tầng tầng lớp lớp nhưng đoàn phim vẫn không hề từ bỏ để tạo nên một tác phẩm kinh điển.
Năm đó, Dương Khiết nhận nhiệm vụ sản xuất Tây du ký từ Đài Truyền hình Trung ương, vốn đã coi đó như tác phẩm trọng điểm. Bà đưa ra cho bản thân mục tiêu sống còn rằng tác phẩm này "chỉ có thắng lợi, không được phép thất bại" làm khẩu hiệu.
Tuy nhiên, phía đầu tư thật ra vì sợ bà quá áp lực mà an ủi rằng bà chỉ cần quay một bộ Tây du ký vượt qua bản phim của Nhật trước đó là được. Thế là bà bắt đầu con đường quay Tây du ký suốt sáu năm ròng rã.
Đoàn phim đã trải qua không ít gian nan trên con đường quay phim của mình, không thua gì con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng.
Đầu tiên là việc lấy cảnh quay khó khăn do thời ấy công nghệ vẫn chưa hiện đại như bây giờ, để có những thước phim đẹp, Dương Khiết liền phải đem đoàn phim đi trèo đèo lội suối lấy cảnh quay sao cho đẹp mắt.
Chính vì việc lấy cảnh quay ở những địa thế hiểm trở mà Dương Khiết từng suýt trượt chân té chết. Trong khi đó, Dương Khiết từ nhỏ sức khỏe đã không tốt, từng mắc bệnh phổi phải cắt bỏ mấy chiếc xương sườn nên cơ thể càng gầy yếu nhưng vẫn kiên cường không bao giờ nghĩ đến từ bỏ quay bộ phim kinh điển này.
Bà dẫn dắt đoàn phim đi lấy cảnh quay từ khi trời chưa sáng đến tối mịt. Tuy nhiên, vì kinh phí eo hẹp thời ấy, bà đã phải sáng tạo không ít để lừa mắt khán giả.
Ở phân cảnh Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, để tiết kiệm kinh phí làm phim, Lăng Tiêu bảo điện nguy nga trên màn ảnh chính là dùng một miếng gỗ dán ba lớp dựng mà thành.
Những hiệu ứng như khói mây trên thiên cung tại cung Thái Thượng Lão Quân là do đoàn phim không ngừng dùng nước đá khô tạo thành phủ kín cả đường dây máy móc khiến cho các diễn viên nhiều lần ngã chổng vó.
Hơn nữa khí hậu khắc nghiệt, hoàn cảnh không thuận lợi khiến cho nhiều diễn viên suýt chết trong quá trình quay phim.
Ít ai biết rằng khi phim quay đến tập thứ 11 dù người xem khen ngợi không dứt nhưng đoàn phim lại không còn kinh phí để quay. Lúc ấy, đài truyền hình đã không còn tài chính để cung cấp cho đoàn phim quay tiếp.
Dương Khiết dù phẫn uất với quyết định của đài truyền hình nhưng đành bất lực quyết định này, phải tự mình tìm nguồn tài chính tiếp tục quay bộ phim này.
Lúc này, chính nhà sản xuất Lý Hồng Xương đã tìm tới tài trợ cho bộ phim tiếp tục quay. Tuy sau này công thành danh toại nhưng quá trình quay phim đã khiến tâm lực bà tiều tụy đi không ít, thậm chí bạn thân (Dương Xuân Hà, vai Bạch Cốt Tinh) cũng trở mặt thành thù.
Quá trình quay phim có thể nói là trải qua trăm cay nghìn đắng nhưng thành công của bộ phim đã không phụ lòng người, trở thành bộ phim kinh điển có rating cao nhất mọi thời đại. Thế nhưng, Tây du ký lại trở thành nỗi đau lớn nhất đời bà.
Sau khi phim chiếu thành công, dàn diễn viên chính đều thành danh, liên tiếp được mời quay phim nhưng bà lại trở thành một người cô đơn.
Một sự kiện khiến bà cực kỳ đau lòng chính là khi đoàn phim được yêu cầu sang Singapore biểu diễn thì Lục Tiểu Linh Đồng, Diêm Hoài Lễ, Mã Đức Hoa đều xin nghỉ để chạy show kiếm tiền.
Sau đó, Dương Khiết đã vì chuyện này mà phê bình họ. Và những người họ lại chạy đến đài mà cáo trạng bà, đoàn phim cứ thế liền giải tán. Dương Khiết cũng vì vậy mà rất buồn lòng. Thất vọng không ngớt, Dương Khiết cùng bốn diễn viên chính của phim đoạn tuyệt quan hệ, cũng 10 năm không xem lại bộ phim kinh điển này.
Trước đó, khi thực hiện buổi lễ khai máy cho bộ phim Tây du ký này, Dương Khiết từng nói: "Nếu như bộ phim này quay thành công, thầy trò bốn người có thể sẽ nổi tiếng toàn quốc. Khi đó hi vọng các người đừng quên công sức của mọi người tạo nên nó".
Thế nhưng sau khi bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, bốn vị diễn viên chính nổi tiếng liên tiếp quay những bộ phim khác kiếm tiền không ngớt, quên mất công sức của Dương Khiết, quên mất những diễn viên phụ từng cùng họ tạo nên tác phẩm thành danh.
Hơn nữa, Dương Khiết là một người bướng bỉnh, mạnh mẽ lại chính trực, bà từ nhỏ đã sống trong môi trường quân đội nên có một loại tính cách kiên định, cầu toàn.
Trong mắt Dương Khiết, nghệ thuật là điều vô cùng cao quý nên việc các diễn viên chạy show kiếm tiền lúc đó với bà là một loại hành vi bất kính với nghệ thuật, chạm đến giới hạn của bà khiến bà khó lòng tha thứ.
Tây du ký lại giống như đứa con tinh thần do chính bà tự tay nhào nặn. Bà vì đứa con này mà bỏ ra không ít tâm tư, hi sinh tất cả vì nó nhưng đứa con này khi trưởng thành lại tung cánh bay đi, cùng bà đoạn tuyệt quan hệ.
Trong lòng bà tạo nên uất ức không sao kể xiết. Mỗi khi đề cập đến đứa con đầy tâm huyết này của bà, bà liền thể hiện bản thân cực kỳ đau lòng, chính là nguyên nhân chính mà mười năm dài bà không muốn xem lại phim.
Mười năm đối với người bình thường mà nói chỉ là một đoạn thời gian nhưng đối với Dương Khiết mà nói chính là thời gian đau khổ nhất cuộc đời.
Sau khi đoàn phim giải tán, bốn diễn viên chính nhận ra lỗi lầm của mình đã cùng nhau đi đến nhà Dương Khiết thể hiện sự xấu hổ, áy náy nhưng bà không nổi giận cũng không đuổi họ ra khỏi nhà mà dùng một bài thơ của Pushkin thể hiện thái độ của mình: Hết thảy đều là cái chớp mắt, tất cả cuối cùng rồi sẽ trở thành quá khứ, sẽ qua đi. Cái quá khứ kia rồi sẽ trở thành hoài niệm.
Trải qua mấy chục năm, Dương Khiết từ một nữ cường nhân mạnh mẽ, nóng tính biến thành một người không còn màng danh lợi, đối với chuyện xưa kia từ lâu đã buông bỏ. Mặc dù bây giờ bà đã qua đời nhưng tinh thần can đảm vì nghệ thuật mà hi sinh của bà vĩnh viễn khiến người ta nể phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận