Saffron là nhụy hoa Crocus Sativus, họ Diên Vĩ, tên Việt là Nghệ Tây. Dạo qua các trang mạng có thể nhận ra Saffron thiếu điều được “phong thánh” với loạt bổ trợ sức khỏe dài như sớ- như chống oxy hóa, ngừa ung thư, kháng trầm cảm, tăng miễn dịch, cải thiện chăn gối và làm đẹp...
Trợ chứ đâu có trị!
Thử phân tích “thánh” này, xem có gì trong đó khiến Saffron nổi bần bật như thế. Ngoài crocin, crocetin, safranal (chống oxy hóa…) tương đối lạ, còn lại là những cái tên đã “lên nước bóng” như canxi, magie, kali, photpho, vitamin nhóm B, C, A...
Saffron ảo diệu thế nào thì hồn cốt vẫn là một chất bổ trợ sức khỏe, hỗ trợ điều trị. Như nhiều cái tên thần thánh khác, nhiều người tự “đánh tráo khái niệm” khi cố ngó lơ vai phụ này. Không khó tìm thấy bảng báo công của Saffron na ná ở hàng loạt “thực phẩm chức năng” đình đám khác, mà nhiều thứ còn “ăn ảnh” hơn như nhân sâm, đông trùng hạ thảo...
Đơn cử, Saffron chỉ trợ chứ đâu có trị cao huyết áp! Da dẻ bạn sáng ra là nhờ khí huyết tốt hay nhờ Saffron? Nếu đã đổ đống tiền mà vẫn phải “dạ” khi “trời kêu”, thì vác chiếu đi kiện mấy cái nhụy Nghệ Tây à? Với những “thần dược” lớn tiếng cân team kiểu này, nếu là người biết xét đoán, hẳn bạn không khỏi lăn tăn: nếu trên đời thật sự có thứ vật chất đạt cảnh giới như thế, thì thiên hạ sống vui sống khỏe, khỏi cần mời đại phu từ lâu lắm rồi?
“Thánh” có xuất thân từ… nhà bếp?
Saffron, gọi đủ bộ chức danh là một loại gia vị và thảo dược. Cái chuyên môn đầu dường như chỉ ra rằng Saffron “startup” (khởi nghiệp) từ… bàn ăn trước khi bước lên bục vinh quang phụng sự sức khoẻ. Vì vậy, đừng hụt hẫng nếu bạn vô tình nhìn thấy Saffron thần thánh của bạn nằm trong lọ gia vị ở gian bếp sặc mùi dầu mỡ của một gia đình giàu có Iran, Hy Lạp, Maroc, Kashmir (những thủ phủ của Saffron). Đây chính là chi tiết “khá nhạy cảm”, giúp nhiều người tỉnh táo hơn trong việc thần thánh hóa một loại gia vị nêm nếm đồ ăn thức uống…
Đắt đỏ vì… “gia công” phức tạp!
Saffron được ví là vàng đỏ vì khoản… kỳ công thu hoạch: để có 1 kg nhụy Nghệ Tây, phải cần 11.000 đến 17.000 bông hoa Nghệ Tây, và toàn thu hái nhặt nhạnh theo lối thủ công- bằng tay- nên rất mất thời gian và công sức. Thì ra thế, Saffron đắt cắt cổ không vì giá trị của chính nó, mà vì có công lớn của sự tỉ mẩn. So sánh khập khiểng nhưng sự tình tương tự như nọc rắn hay long diên hương (sản phẩm bài tiết của cá voi).
Giả nhiều như rươi
Đắt hơn vàng, sản xuất kỳ công, xuất xứ hạn hẹp, nên không lạ khi Saffron là mỏ vàng của vô số “chuyên gia” làm hàng giả, hàng nhái. Không khó đánh lận con đen, vì người ta từng tìm thấy trong vàng đỏ những thứ “thấy người sang bắt quàng làm họ” như củ cải đường, xơ quả lựu. Nếu saffron ở dạng bột thì tình hình còn thê thảm hơn, bị trộn lẫn với những thứ quán cóc vỉa hè như bột nghệ, bột ớt... Điều này đồng nghĩa với việc có không ít người từng dính cú hớ bự, khi bỏ cả gia tài để rước về một thứ “tiên dược” có nguồn gốc hàng…nhái! Cám cảnh tương tự với mấy vụ sừng trâu giả tê giác, củ cải hóa nhân sâm, cao ngựa biến hình hổ cốt...
Vì vậy, vẫn là câu “chọn mặt gửi vàng” nếu bạn có ý định xuống tiền cho Saffron. Đồng thời bạn còn phải khá già dặn trong kỹ năng phân biệt thật-giả, mà học phí học khôn này có khi trả khá chát!
Đáng đồng tiền bát gạo ?
Sau từng ấy cầm lên đặt xuống, thì chốt lại Saffron có đắt xắt ra miếng? Hiệu quả ra sao? Nhiều người cho điểm cộng, nhưng mức độ có thật sự đến mức “phong thánh”? Những cái Saffron có thì thiên hạ cũng có thể có, và với khoản phí thấp hơn cả cây số! Như vậy, chỉ có thể nói rằng nếu bạn là người hầu bao rủng rỉnh, đam mê hàng hiệu, và muốn yên bụng vì đã dùng thứ tốt nhất cho sức khỏe của mình, thì bạn hãy ra tay rước “thánh” về!
Còn nếu xét hiệu quả, với kiểu chi đáng tiền từng đồng từng cắc vì sức khỏe, thì việc bạn bỏ ra đôi ba triệu đồng cho một nhúm nhụy hoa, hẳn là một cuộc đầu tư quá mạo hiểm. Bạn xuống tiền cho chiếc đồng hồ đắt ngang nhà mặt tiền để xem giờ, hay vì những viên kim cương cẩn trên đó, tùy bạn chọn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận