Mới sáng sớm Út Hóng đã khều Bi Rên ra chỗ vắng. Út hổn hển:
- Anh Chín Đa Nghi vừa đặt hàng cô Năm Thi Sĩ một bài thơ châm biếm mang tựa là “Biết đâu nguồn cội” giống như tựa nhạc Trịnh Công Sơn.
- Cái gì?
Mắt Bi trợn ngược lên khiến Út Hóng phải giải thích:
- Mày biết rằng mấy ngày nay anh Chín sửa nhà chứ. Sửa trần và tường bị thấm dột. Mà đã sửa thì phải mua gạch, cát, xi măng. Ảnh mới đổ một xe ba bánh cát là đã có ngay thanh tra xây dựng xuất hiện. Thằng cha thanh tra phường, quận gì đó mặt hầm hầm chỉ ngay đống cát lập biên bản bắt phải đóng phạt, không đóng là đình chỉ xây dựng.
- Trời ơi!
- Mày kêu trời là phải. Thật ra anh Chín có quyền cãi bởi chuyện sửa nhà cần lải nhải, không nên khiếp hãi.
- Sao?
- Vì nhà nước cho phép chứ sao, trừ phi xây dựng công trình lớn, còn sửa chữa lặt vặt không vi phạm hàng xóm láng giềng thì mọi công dân đều được quyền làm không cần phải thông qua địa phương.
Bi Rên khựng vài giây rồi vỗ trán đồm độp:
- Đúng rồi, tao có đọc nghị định này trên báo, tại sao thằng cha thanh tra kia lếu láo?
Út Hóng ngậm ngùi:
- Thì cũng do thói quen ăn hiếp người nghèo. Mày coi, cái biệt thự đầu đường xây lấn hàng hiên mà có cán bộ nhà đất nào xuất hiện ngăn cản đâu. Cái biệt thự mọc chình ình cách đây 6 tháng bây giờ đã thành hình, đố ma nào dám cản.
- Ôi tao quá nản trước tình người phá sản.
- Chính xác. Chỉ tội nghiệp anh Chín Đa Nghi vốn đã không tin ai thì bây giờ lại càng nghi ngờ hơn. Ảnh …
- Sao?
Út Hóng thều thào như sợ ai nghe lén:
- Ảnh đang củng cố lý lịch, moi lại gia phả để chứng minh mình trong quá khứ từng là bà con một sếp lớn ngoài Hà Nội.
- Cái gì?
- Còn cái gì nữa. Chỉ có làm họ hàng bà con với sếp lớn mới thoát được cặp mắt cú vọ của đám thanh tra xây dựng chớ. Mày coi, vụ Yên Bái sờ sờ. Cái biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên môi trường như cung điện của vua, nhưng nhờ thế thần, tất cả cũng chào thua.
Không gian im lặng khoảng chục giây rồi sau đó Bi rống lên:
- Tao bắt đầu rên rỉ đây. Quỷ thần ơi, chỉ vì đổ một đống cát sửa nhà dân nghèo mà phải đi mua mối quan hệ bà con với bọn quan chức nhà giàu để khỏi phải hối lộ hoặc bị đình chỉ xây dựng. Oan ức quá, bất công quá, cho tao xá tình người gỗ đá.
Út đợi cho Bi qua cơn thịnh nộ mới phát biểu:
- Vậy đó. Anh Chín vừa xác minh lý lịch vừa đặt hàng cô Năm Thi Sĩ bài thơ. Ơ…
- Hả?
- Hả họng gì Bi! Cô Năm đứng sau lưng mình kìa.
Từ đằng sau, nữ thi sĩ xóm nhà nghèo lẳng lặng móc trong túi ra một bài thơ nhàu nát. Cô Năm đọc lớn:
- “Không cần đến phép Lỗ Ban
Chỉ cần gốc lớn đủ làm công dân
Ngủ đêm không sợ gõ phòng
Ra phố không sợ cùm gông vào đầu
Mắt không liếc trước liếc sau
Xây nhà biệt phủ khỏi hầu thanh tra…”.
Cô Năm còn tiếp tục đọc nữa nếu Bi không thút thít khiến cô chới với:
- Sao lại khóc hả Bi Rên? Đáng lẽ kẻ rơi nước mắt phải là anh Chín Đa Nghi chớ?
Bi sụt sịt:
- Không. Tui khóc là khóc cho cô đó. Trước sau gì bài thơ cũng bị cấm phổ biến.
- Vô lý!
- Không hề vô lý, thưa cô Năm. Ở đất nước ta cái gì cũng phải có bằng cấp, cô đã học Trường Viết Văn chưa mà đòi làm thơ? Trong khi hai người đang ngỡ ngàng thì Bi Rên… quất luôn:
- Không có bằng Tiến sĩ Trường Viết Văn thì miễn làm thơ. Thôi, cô ráng bỏ tiền đăng ký học đi nhe, có không ít các ông quan chỉ đăng ký online một khóa là có bằng tiến sĩ ngon ơ, làm quan đường hoàng kìa. Cô ráng lên nghen, học, học nữa, học mãi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận