Hàng trăm ngày sống trên trạm vũ trụ không trò giải trí là một thử thách lớn, bởi thế các phi hành gia đôi khi cũng lách luật, dùng mánh khóe hòng mang chút ít rượu lên trạm vũ trụ để giải khuây.
Về nguyên tắc, mọi thứ chứa cồn thông thường như nước súc miệng, nước hoa, nước tẩy rửa, rượu...đều không được mang lên trạm vũ trụ. Lý do bởi cồn là chất dễ bay hơi và lượng hơi này sẽ phá hỏng một số kết cấu trên trạm vũ trụ, chưa nói đến chuyện phản ứng phức tạp của cơ thể người trong không gian khi đầy hơi hoặc say vì rượu.
Ấy thế nhưng, luật tạo ra là để...tìm cách lách.
Cựu phi hành gia Alexander Lazutkin – từng là thành viên thực nhiệm nhiệm vụ trên tàu Soyuz TM-25 năm 1992 - tiết lộ cho hãng tin Interfax của Nga vào năm 2010 rằng, trước đây trong các nhiệm vụ không gian kéo dài, đặc biệt là vào đầu Kỷ nguyên Không gian, khẩu phần ăn của các phi hành gia vẫn có đồ uống có cồn nhằm kích thích tiêu hóa và giữ hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường trong môi trường không trọng lực.
Nhưng cuối cùng Roscosmos - cơ quan vũ trụ Nga – lại ra quy định cấm rượu. Trong khi đó, người Nga lại rất thích uống rượu, không ngoại trừ cả những nhà khoa học làm công việc nghiên cứu luôn đòi tính cẩn trọng như các phi hành gia.
Và bởi thế nên, sau khi vượt qua hết các bài kiểm tra về kiến thức và kỹ năng cần thiết, trước hành trình bay vào không gian không ít phi hành gia lại vắt óc nghĩ cách giấu mang cho kỳ được một chai rượu lên tàu vũ trụ.
Nếu phi vụ trót lọt, cả team sẽ có một đôi lần ít ỏi được nhâm nhi chai rượu quý giá đó. Nếu có bị phát hiện thì cũng... chẳng ai làm được gì vì tàu đã vào quỹ đạo. Nhưng phần lớn là thất bại trước sự kiểm tra gắt gao của các chuyên gia mặt đất trước khi tàu khởi hành.
Trước mỗi hành trình, cả đội sẽ tập hợp và phân công “nhiệm vụ tối mật”: giấu rượu Vodka và Cognac. Tiêu chí thực hiện nhiệm vụ là: không quan trọng cách thức, chỉ quan trọng kết quả. Các phi hành gia buộc phải...vận dụng sự sáng tạo của mình.
Địa điểm đặt “kho báu” thường là trong bộ đồ không gian, "rút ruột” chai nước trái cây, bên trong những cuốn sách rỗng, hoặc trong các thiết bị y tế, ví dụ máy đo huyết áp chuyên dụng.
Để thực hiện phi vụ, một số phi hành gia thậm chí thực hiện chế độ ăn kiêng trước ngày tàu khởi hành, sau đó họ có thể giấu một chai rượu trong quần áo để đảm bảo không vượt quá yêu cầu về trọng lượng.
Phi hành gia Igor Volk cũng từng cho biết ông và những người khác đã giảm cân ngay trước khi lên tàu Salyut 7, tiền thân của Mir vào năm 1977. Họ có thể giấu rượu trong túi bí mật trong bộ đồ vũ trụ mà không bị phát hiện.
Tuy nhiên rượu không để trong chai thủy tinh như vốn có mà sẽ được đổ đầy vào các túi ni-lon có nắp đậy, sau đó đặt trong các vị trí khác nhau. Nơi nhỏ đặt túi rượu nhỏ, nơi lớn đặt túi rượu lớn.
Điều quan trọng nhất là không được để nó phát ra âm thanh “ọc ọc” khi mọi thứ di chuyển.
Valery Ryimin - Nhà du hành từng dành gần 380 ngày trong không gian – giải thích rằng họ không phải những kẻ nghiện rượu, nhưng uống dù chỉ một giọt rượu nhỏ trong không gian cũng sẽ giúp bình tĩnh hơn và loại bỏ căng thẳng. Rượu gần như một loại thuốc an thần đối với họ.
Không giống như trên Trái đất, nếu một ai đó căng thẳng thì có hàng nghìn cách để giải khuây, nhưng trên không gian thì lại khác, chẳng có gì để giải trí. Rượu sẽ phần nào giúp họ vào giấc ngủ nhanh hơn và thức dậy sảng khoái, sẵn sàng cho nhiệm vụ ngày hôm sau.
Cựu phi hành gia của NASA Clayton Anderson cũng lên tiếng thừa nhận rằng “NASA có quy định và khẳng định không có rượu trên ISS. Nhưng từ một người đã sống ở đó 5 tháng, tôi khuyên bạn đừng có tin!”.
Vyacheslav Rogozhnikov, chuyên gia tại Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, chia sẻ trên tạp chí Beyond Russia rằng, cho đến nay không chỉ riêng tại Nga mà gần như mọi phi hành gia của tất cả các quốc gia vẫn luôn nung nấu các mánh lới mang rượu vào không gian.
“Nhiều khi chúng tôi chỉ biết đến sự tồn tại của rượu khi con tàu đã bay vào quỹ đạo. Lúc ấy thì chẳng ai còn làm gì được họ nữa”, Vyacheslav Rogozhnikov nói.
Về cơ bản, NASA và tất cả các cơ quan hàng không vũ trụ của các quốc gia khác đều cấm rượu. Vì rượu không chỉ làm hỏng thiết bị mà còn có nguy cơ khiến các phi hành gia không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Hậu quả mà một phi hành gia say rượu có thể gây ra là vô cùng lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận