Prema Thakur, một cán bộ tại quận Champawat, Ấn Độ, đang dạy Pratap Singh Bora, một lao động nhập cư từ Nepal 56 tuổi, cách viết tên mình bằng tiếng Hindi.
Bora là một thợ xây tại bang Uttarakhand, bắc Ấn Độ. Ông trở về Nepal cuối tháng Ba khi Ấn Độ tuyên bố phong tỏa ba tuần (và nay nới rộng tới đầu tháng Ba). Chính phủ cấm các phương tiện đi lại công cộng, và cấm khẩu. Hàng triệu lao động nhập cư khác giống như Bora bị mắc kẹt.
Ngày 10 tháng Tư, nhà chức trách Ấn Độ đưa Bora và hàng chục di dân bơ vơ khác vào một ngôi trường cải tạo thành một trại tị nạn ở thị trấn Tanakpur, dọc biên giới Ấn-Nepal. Ấn Độ đã lập nên hơn 20000 trại như vậy trên khắp đất nước để mang thức ăn và chỗ ở cho những người lao động nghèo.
Nhưng ở Tanakpur, họ có thêm một thứ khác: cơ hội học cái chữ.
Ở một trong 10 trung tâm tại Champawat, nhà chức trách đang mở các chương trình dạy chữ cho lao động nhập cư mù chữ. Khoảng 200 người hiện đang học đọc và viết lần đầu tiên trong đời, theo quan chức giáo dục quận Champawat Ramesh Chandra Purohit.
“Chúng tôi muốn họ nhận được gì đó trong thời gian phong tỏa, chứ không ngồi giết thời gian,” Purohit thẳng thắn.
Champwat nằm ở biên giới Nepal và Ấn Độ, nơi vô số người nghèo, mù chữ, đổ sang tìm việc làm. Bora là một trong số họ. Ông tới Ấn đã gần 20 năm qua để làm việc và thường về một năm hai lần để thăm nhà.
Lúc đầu, khi được đăng ký, ông ngần ngại. “Ông ấy mắc cỡ vì là người lớn tuổi nhất ở đó,” giáo viên Prema Thakur cho biết. Hầu hết học viên đang ở tuổi ba mươi. “Ông ấy nói, học đọc học viết làm gì ở cái tuổi này chứ?”
Được động viên, được đưa bút viết, chỉ sau hai ngày, Bora đã viết được tên mình bằng tiếng Hindi. Thực tế là ông ấy học nhanh hơn cả các học viên khác, kể cả cậu con trai 30 tuổi.
“Tôi thấy vui lắm. Khi còn nhỏ, chúng tôi thường sống ở miền núi, ở đó không có trường học.”
Bora nói gia đình ông nghèo nên không cho ông tới trường. “Bọn tôi thấy mình như trẻ lại khi lớp bắt đầu và thầy giáo có mặt,” Navidad, 26 tuổi, cho biết. “Chúng tôi thấy như đang tới trường vậy.”
Navidad học đọc và viết lúc còn bé nhưng tới trung học cơ sở đã bỏ ngang. Hiện anh đang giúp các học viên khác làm bài tập.
“Thầy cô bảo mọi người tìm tới tôi để giải đáp thắc mắc sau giờ học,” Navidad hào hứng.
Ngoài dạy chữ, trại tị nạn còn có lớp yoga và một chương trình giúp di dân cai thuốc lá, Purohit nói thêm. Nhân viên quản lý trại chiếu các bộ phim, khuyến khích trại viên đọc sách báo, và các buổi tối, họ chơi một trò chơi ca hát của Ấn tên gọi antakshari, người chơi phải hát nối bài hát có cùng âm tiết với từ cuối bài hát trước.
Điều này không xảy ra ở tất cả các trại tị nạn trên đất Ấn. Tại Mumbai, thủ đô tài chính , hàng trăm lao động nhập cư bất chấp giới nghiêm đã tụ tập đầy một nhà ga. Họ yêu cầu chính quyền cho họ về nhà. Cuối cùng cảnh sát phải dùng baton trấn áp.
Purohit cho rằng các sinh hoạt giải trí giúp tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Vachaspati Shukla , giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu Kinh tế & Xã hội Sardar Patel tại Gujarat, cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời. “Nếu có thể, ý tưởng này cần được áp dụng ở các nơi khác.”
Shukla cho rằng lao động chủ yếu tới từ những tiểu bang có dân trí thấp. Ấn Độ có hơn 1/3 dân số trưởng thành mù chữ trên toàn thế giới.
Các chương trình dạy chữ cho người lớn như ở trại tị nạn thật ra không mới, mà đã diễn ra nhiều năm qua. Nhưng dạy đọc và viết cho người bị mắc kẹt do virus corona lại là một ý hoàn toàn mới. Những trại khác ở Ấn Độ thậm chí còn thiếu vệ sinh cơ bản cho họ, huống chi cơ hội học tập.
Purohit nói rằng anh cùng đồng nghiệp đang lên kế hoạch kiểm tra học viên vào cuối đợt phong tỏa. Những người “thi đậu” sẽ được cấp chứng chỉ, và hy vọng sẽ học tiếp khi họ đã về nước.
Cô giáo Thakur cho biết cô luôn quan sát sự tiến triển của học viên. Cô đang dạy số và ký tự tiếng Anh. Một học viên 19 tuổi đã chép đầy một quyển tập.
Còn Bora rất háo hức. Và không chỉ học tập, mà còn cả nhảy múa, ca hát. “Như thể đứa trẻ trong ông ấy đã thức giấc,” Thakur hứng khởi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận