Ngay từ đầu đại dịch COVID-19, nhiều người cảm thấy họ được tự do khi được làm việc tại nhà, thoát khỏi bốn bức tường vô cùng áp lực trong văn phòng. Tuy nhiên, hiện nay không ít nhân viên văn phòng đã bắt đầu ngán ngẩm với việc này, họ cảm thấy nhớ cảm giác được bước chân ra đường, và di chuyển đến công ty mỗi ngày.
Kerri Jesson, một nhân viên marketing ở Vancouver (Canada) chia sẻ với The Guardian: "Tôi có thêm thời gian trống mỗi ngày, vì không cần đến chỗ làm. Thật vui khi có thể ngủ nướng thêm một chút, nhưng tôi nhớ lắm cái cảm giác chen chúc trên xe bus hay tàu điện mỗi sáng".
Jesson đã bắt đầu "giả vờ đi làm" từ vài tháng trước, để thực hiện lại những thói quen cũ của mình. Cô lái xe khoảng 20 phút đến một quán cafe vào hầu hết các buổi sáng. Nhờ đó, cô như vừa "bật công tắc" cho ngày mới, để tạo động lực cho công việc của mình.
Còn John Dorsey, một luật sư ở Washington DC (Mỹ) đã đạp xe 40 phút hàng ngày cả đi và về trong suốt 20 năm qua, trước khi đại dịch ập đến. Đối với anh, đạp xe không chỉ là cách để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, mà còn giúp bản thân được tập thể dục, cùng lúc tận hưởng thú "nghe sách nói".
Bình thường, Dorsey sẽ rời văn phòng vào thứ Sáu, và quay trở lại thứ Hai kế tiếp. "Vòng tròn" lặp đi lặp lại này đã thay đổi trong đại dịch COVID-19. Dorsey đã thay đổi hành trình đi làm thường ngày bằng quãng đường 24km mỗi sáng, đến công viên Rock Creek. Anh hào hứng chia sẻ: "Tôi luôn có 1 tiếng đồng hồ để không cần phải nói chuyện với bất kỳ ai, tôi chỉ đạp xe thôi".
Nhưng với một số người như Louis Philipe, một nhà phân tích kinh doanh ở Mississauga (Canada), việc "giả vờ đi làm" mỗi sớm mùa đông cũng thách thức chẳng kém. Anh này đã phải để yên chiếc xe đạp "ngủ vùi" trong tầng hầm, thay vì lấy ra để "nạp năng lượng" cho ngày mới, dù rất muốn thay đổi không khí làm việc thường nhật tại nhà.
Theo The Guardian, Microsoft đã nhận định số lượng nhân viên văn phòng cảm thấy hoài niệm cảm giác đi làm là không ít. Họ đã tung ra ứng dụng "tuyến đường đi làm ảo" để giúp mọi người lấy lại không khí ngày còn đi làm ở môi trường thực.
Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ đã khảo sát 3,1 triệu người, 50 phút mỗi ngày là con số mà những người lao động từ xa có thêm để làm việc, sau lệnh giãn cách xã hội. Chính điều này có thể tác động đến năng suất lẫn tinh thần khi người lao động, vì phải làm việc quá thời gian quy định trong khoảng thời gian dài, dẫn đến kiệt sức.
Thế nên, nếu "giả vờ đi làm" trở thành một xu hướng thì đó là một điều thú vị. Bởi giờ đây, mọi người có thể tự do chọn lựa nơi để đến, công viên thay vì đường phố chật chội, đi bộ thay vì tàu điện ngầm tối tăm và bao lâu tuỳ ý.
Theo bác sĩ trị liệu tự nhiên Jessica Eastman, cũng là một người thích đi làm, thậm chí còn tin rằng việc đi làm có thể là bí quyết để có một giấc ngủ chất lượng cao. Đây là điều mà nhiều người khó có được trong thời kỳ đại dịch. Cô đã giúp nhiều bệnh nhân của mình giải tỏa tâm trí và nghỉ ngơi tốt hơn.
Jessica Eastman cho hay: "Mọi người thực sự rất khó ngủ vào cuối ngày, sau khi làm việc từ xa". Khi làm việc tại nhà, những khoảng thời gian cho bữa trưa, bữa tối hay lúc bắt đầu, kết thúc thường chẳng rõ ràng. Những điều này có thể tác động đến giấc ngủ khi nhịp sinh học bị thay đổi.
Vì vậy, với một lộ trình "giả vờ đi làm" mỗi ngày, bác sĩ Jessica cho hay có thể hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng, năng lượng cũng như sự tập trung. Không chỉ thế, chất lượng ngủ cũng được cải thiện khi khả năng chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận