29/11/2023 08:18 GMT+7

Việt Nam có cơ hội nhảy vọt về thu nhập

Giáo sư Fukunari Kimura, nhà kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), khẳng định Việt Nam nằm trong số những quốc gia tiềm năng nhất có thể đi từ nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao trong thời toàn cầu hóa.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Nhật hoàng Naruhito ngày 28-11 - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Nhật hoàng Naruhito ngày 28-11 - Ảnh: TTXVN

Một báo cáo tư vấn chính sách bao gồm các khuyến nghị giúp Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 đã được đại diện ERIA trực tiếp trao cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 27-11. Giáo sư Fukunari Kimura là một trong số các tác giả/người biên soạn báo cáo ý nghĩa này.

Những khuyến nghị cho Việt Nam

Giáo sư Fukunari Kimura - Ảnh: Foreign Press Center Japan

Giáo sư Fukunari Kimura - Ảnh: Foreign Press Center Japan

Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2045, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vẫn còn hơn 20 năm nữa để đến cột mốc này. Mọi nỗ lực để hiện thực hóa đang ngày càng tăng tốc.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một trong các nỗ lực đó.

Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Nhật - Việt lên đối tác chiến lược toàn diện, Nhật Bản nhấn mạnh cam kết tiếp tục hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam vào năm 2045. Nhiều sự trợ giúp về tư vấn chính sách, nguồn lực đã và đang được triển khai, trong đó có báo cáo tư vấn chính sách hơn 630 trang mang tên Vietnam 2045 của ERIA nói trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Fukunari Kimura cho biết, báo cáo là sản phẩm của nhiều chuyên gia uy tín ở Nhật Bản và Việt Nam, những người đã nghiên cứu kinh tế Việt Nam suốt nhiều năm. Bản thân ông là đồng tác giả chương 8 của báo cáo với tiêu đề "Làn sóng mới về chuyển đổi số, công nghiệp 4.0 và sáng tạo".

"Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng các lực lượng toàn cầu hóa bằng cách tích cực hội nhập kinh tế, song đang phải đối mặt với những thách thức trong việc nâng cao năng suất và nâng cấp các ngành công nghiệp", ông Kimura lưu ý.

Ông cho biết, báo cáo đã xem xét thành tựu, hiện trạng và hướng đi tương lai của từng lĩnh vực ở Việt Nam, bao gồm cả ý nghĩa của công nghệ kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể. Đồng thời quá trình chuyển đổi năng lượng, tính bền vững và các vấn đề xã hội mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trên con đường hướng tới nền kinh tế phát triển toàn diện cũng được nghiên cứu. 

"Báo cáo này sẽ cung cấp cách tiếp cận dựa trên bằng chứng cho các chiến lược phát triển mà Việt Nam nên áp dụng cho đến năm 2045", ông cho hay.

Tiềm năng trở thành hình mẫu

Chủ tịch nước và phu nhân cùng các quan chức Việt Nam, lãnh đạo Tokyo và một số tập đoàn Nhật Bản ăn bánh mì - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Chủ tịch nước và phu nhân cùng các quan chức Việt Nam, lãnh đạo Tokyo và một số tập đoàn Nhật Bản ăn bánh mì - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Nói thêm với Tuổi Trẻ, giáo sư Fukunari Kimura cho biết trước đây từng có các nước thành công trong việc nhảy từ mức thu nhập trung bình cao lên mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. 

"Nhưng họ đã làm điều đó trước thời kỳ toàn cầu hóa những năm 1990. Còn hiện tại, minh chứng về việc làm thế nào một nền kinh tế mới phát triển có thể tiến lên bước cuối cùng vẫn chưa có", ông nêu vấn đề. 

Thách thức lớn với các quốc gia như Việt Nam, theo ông, không phải là bẫy thu nhập trung bình, mà là chưa có nước nào trong thời toàn cầu hóa đi từ mức thu nhập trung bình cao lên thu nhập cao và trở thành nước phát triển.

"Tuy nhiên Việt Nam là một trong những quốc gia hứa hẹn nhất có thể làm được", ông Fukunari Kimura khẳng định. 

Thương mại và đầu tư có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng phải có sự tiếp thu quá trình công nghiệp hóa và tạo ra sự phát triển kinh tế cho chính mình. Ngoài ra, đất nước phải luôn mở cửa, tận dụng triệt để các cơ hội từ toàn cầu hóa và tự chủ trong phát triển kinh tế. 

"Chúng tôi tin Việt Nam có thể làm được và sẽ cho thấy mình là một mô hình phát triển mới cho các nước đang phát triển. Nhật Bản sẽ tiếp tục là người bạn, đối tác bình đẳng của Việt Nam", nhà kinh tế trưởng của ERIA nhấn mạnh.

Với mục tiêu trở thành nền kinh tế ít phát thải carbon của Việt Nam, ông nhận định con đường hướng tới nền kinh tế ít carbon có thể khác nhau giữa các nước, và có thể đi bằng nhiều đường khác nhau. 

"Nhật Bản đã trải qua một lịch sử lâu dài nỗ lực tìm kiếm con đường toàn diện và bền vững trong các vấn đề năng lượng và môi trường. Do đó, Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này với tư cách là đối tác mạnh nhất", ông nhấn mạnh.

Ngày 28-11, tiếp tục chuyến thăm Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã hội kiến Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu. Tại buổi tiếp, Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu cho rằng sự gắn kết và giao lưu trong lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, con người là một trong những yếu tố căn bản để phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sâu sắc, gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như hiện nay.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về các chuyến thăm Nhật Bản trước đây của ông trên các cương vị khác nhau. Nhân dịp này, Chủ tịch nước thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam mời Nhật hoàng và hoàng hậu sang thăm Việt Nam.

Một hoạt động khác cũng để lại ấn tượng đẹp của Chủ tịch nước và phu nhân là cùng lãnh đạo Tokyo, một số tập đoàn hàng đầu Nhật Bản ăn sáng với bánh mì, mì Quảng và cà phê sữa đá Việt Nam tại Tokyo.

Doanh nghiệp Nhật Bản thích chọn Việt Nam khi chuyển dịch sản xuấtDoanh nghiệp Nhật Bản thích chọn Việt Nam khi chuyển dịch sản xuất

Lãnh đạo các đảng trong liên minh cầm quyền, Đảng Cộng sản Nhật Bản đều nhấn mạnh sự coi trọng mối quan hệ với Việt Nam khi gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Nhân chuyến thăm, ông cũng gặp lại những bạn cũ trên đất Nhật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên