Nếu ở hai vòng đấu đầu tiên, NHM nước Anh hào hứng về “hiệu ứng Bielsa”, về Leeds United thì đến vòng đấu thứ ba, người ta lại chứng kiến một cơn mưa bàn thắng từ chấm phạt đền.
Trong 7 cặp trận đấu đã diễn ra (trừ trận đấu giữa West Ham và Wolves) trong hai thứ Bảy và Chủ nhật, các CĐV đã chứng kiến 8 quả phạt đền được thực hiện thành công, cùng vô số lần dừng trận đấu để nhờ sự trợ giúp của VAR từ trọng tài chính.
Cá biệt, trong trận đấu của Manchester City, các cầu thủ Leicester đã thực hiện thành công đến ba quả 11 mét.
Như vậy, tính trung bình, NHM sẽ bật TV với tâm lí… kiểu gì cũng được xem một bàn thắng từ chấm phạt đền.
Tui không rõ dân Việt Nam thích thú với điều này không, chứ dân Anh là đang “nhảy dựng” lên đấy.
Một anh CĐV mỉa mai trên Twitter: “VAR đang tạo ra những tranh cãi về chuyện ‘dùng tay chơi bóng’. Những cú sút như búa bổ được rót thẳng vào vòng cấm và hi vọng một sự chệch hướng nào đó sẽ mang lại phạt đền. Tôi nhớ người ta chơi bóng để tìm ra đội có kĩ năng giỏi hơn mà, đúng không?”
Một CĐV khác còn thẳng thắn hơn: “Các quyết định trở nên tồi tệ hơn từ khi có VAR, trớ trêu thay, mục đích ban đầu của nó là để giảm thiểu những sai sót cho các trọng tài. Bỏ quách nó đi. Để các trọng tài tự xử.”
Thế mới thấy, cộng đồng mạng ở Việt Nam ta hay xứ người đều rất “manh động”. Nhưng rõ ràng, họ có những cái lí riêng trong chuyện đòi bỏ VAR.
Những tình huống chạm để bóng chạm tay của Eric Dier hay Neal Maupay thực sự là vô tình theo kiểu “bóng tìm đến tay”. Việc cứng nhắc trong chuyện thổi phạt đền khiến các trận đấu đi theo một kịch bản hoàn toàn khác.
Tottenham hay Brighton là những đội chơi hay hơn và xứng đáng có được 3 điểm. Dĩ nhiên, Newcastle hay Manchester United cũng khao khát có điểm.
Song họ cần chơi bóng thực thụ và chiến thắng bằng năng lực, chứ không phải tung ra những cú dứt điểm “hú họa” rồi chờ vận may đến.
Ngay sau những tranh cãi kể trên, báo chí Anh viết hàng loạt bài báo nhằm giải đáp cho câu hỏi: “Thế nào là để bóng chạm tay?”
Câu trả lời chắc sẽ khiến mọi người bất ngờ: “Tất cả chỉ là mớ hỗn độn”. Tức cũng chả có một định nghĩa nào thật sự vững chắc, thực sự rõ ràng và nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Tất cả đều là duy ý chí.
Dân Anh trước nay chỉ thích những trận đấu có nhịp độ nhanh, thích những cuộc đấu cảm xúc hơn những trận đấu 1-0 tẻ nhạt. Nhưng VAR đã khiến tất cả thất vọng.
Ai đời có trận đấu nào mà khi trọng tài chính thổi hồi còi mãn cuộc rồi mà CĐV còn chưa được ăn mừng. Brighton là nạn nhân đầu tiên của trường hợp oái ăm này.
Và người ta tự hỏi, liệu VAR có nên điều chỉnh lại cách dùng, khi Premier League đang dần biến thành nơi thi sút phạt đền?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận