Gần đây, nhiều bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế đối với hành vi "check-in" của người nổi tiếng trên mạng xã hội, theo Sina đưa tin.
Trên thực tế, nhiều vị khách đã đến các bảo tàng nghệ thuật mới được xây dựng hoặc đang được viral trên mạng xã hội, tận dụng không gian đó để chụp hình nhằm mục đích thương mại. Thậm chí, không ít người còn khiến tình hình trở nên... "loạn cào cào" khi ai nấy đều muốn tranh được vị trí đẹp để "sống ảo". Điều này khiến giá trị nghệ thuật của các buổi triển lãm bị ảnh hưởng đáng kể.
Một số vụ "đụng độ" đã xảy ra giữa những người nổi tiếng đi check in và nhân viên buổi triển lãm, nhằm ngăn chặn mục đích "mượn chỗ" của một số người. Tuy nhiên, đây không phải là điều hiếm gặp trong xã hội hiện đại.
Nhìn lại hơn 10 năm trước, khi Internet và mạng xã hội chưa phát triển, Thượng Hải có một vài bảo tàng nghệ thuật. Ở thời điểm đó, khách đến tham quan đa phần là sinh viên học mỹ thuật hoặc "dân trong ngành".
Năm 2015, Hội chợ triển lãm Thế giới Thượng Hải được mở ra, tạo nên một sự đổi mới trong việc thưởng thức nghệ thuật trong công chúng. Đặc biệt, triển lãm "Rain House" của Random International được tổ chức cùng năm đã tạo ra một cuộc "cách mạng" thực sự, khiến người dân chẳng ngần ngại xếp hàng để thưởng lãm và lần đầu tiên trải nghiệm khái niệm nghệ thuật "nhập vai".
Vào năm 2018, "Rain House" một lần nữa đến với Thượng Hải, dù không "oanh tạc" như lần đầu tiên, song sự trở lại này đem đến sự ngưỡng mộ của khách đến xem, khi kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.
Sau đó, những triển lãm như "TeamLab" hay "Mirror House" vào năm 2019 tiếp tục đem đến cho công chúng sự chú ý và khó có thể tránh khỏi việc khách đến xem chụp ảnh.
Việc chụp ảnh check in của khách đến xem một phần có thể lan tỏa được thông tin đến nhiều người khác hơn, tuy nhiên cũng kéo theo nhiều hệ lụy nhất định. Nhiều khán giả "không chuyên" sẵn sàng vào bảo tàng nghệ thuật để tiếp xúc với các xu hướng nghệ thuật mới nhất.
Mỗi cuối tuần, các cô gái trẻ với váy áo thời trang, makeup tinh tế để đến dự triển lãm như thành một thói quen. Ngoài việc xem triển lãm và check in, họ còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật theo cách độc đáo hơn trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút được thêm nhiều người đến tham quan.
Do đó, các bảo tàng nghệ thuật không còn cố gắng truyền tải những thông tin học thuật đến với công chúng nữa. Họ khuyến khích công chúng tích cực khám phá và chia sẻ kinh nghiệm thu được trong triển lãm, xem đó như là "một sân chơi trực quan".
Đầu năm 2020, các bảo tàng Trung Quốc tạm thời đóng cửa vì tình hình dịch bệnh. Do không thể đi du lịch tự do như trước, giới trẻ chọn bảo tàng hoặc các buổi triển lãm như chốn dừng chân mới.
Nhiều người chấp nhận xếp hàng dài để chụp được với một tác phẩm. Nếu chưa hài lòng, họ sẵn sàng xếp hàng để chờ đến lượt chụp lại.
Có những người nổi tiếng còn đăng tải "hướng dẫn chụp hình" sao cho giống ngôi sao mạng nhất, như một trào lưu mới của nhiều người trẻ.
Tất nhiên, không có gì là xấu nếu chỉ check in theo phương thức thông thường. Thay vào đó, những người nổi tiếng chủ yếu "sống ảo" với các tấm ảnh đã được chỉnh sửa, mà bỏ qua giá trị của tác phẩm. Nhiều người còn lấy không gian triển lãm để làm bối cảnh chụp quảng bá hàng hóa, đính kèm thêm những nhãn hiệu chẳng liên quan gì đến tác phẩm trưng bày. Hơn nữa, việc tạo dáng quá đà hoặc tốn nhiều thời gian cũng gây ảnh hưởng đến những vị khách khác.
Một số bảo tàng đã lên kế hoạch "mạnh tay" với người nổi tiếng, khi check in tại địa điểm của họ. Theo lý giải của phía tổ chức, các triển lãm đặc biệt thường không được phép chụp ảnh. Tuy nhiên, vấn đề này cũng xảy ra khá nhiều xung đột khi lợi ích đôi bên đều không "gặp nhau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận