Ngày 12-3, Bố già - bộ phim điện ảnh đầu tay của Trấn Thành trong vai trò nhà sản xuất, diễn viên chính, biên kịch và đồng đạo diễn - mới chính thức phát hành trên màn ảnh rộng.
Thế nhưng, doanh thu của những suất chiếu sớm trong các ngày 5,6,7 và 8-3 của bộ phim Bố già đã hơn gấp đôi chi phí làm phim mà Trấn Thành tiết lộ.
Con số ấy là minh chứng rõ nét nhất để nói về độ hot, sự yêu thích của khán giả với sản phẩm mới của Trấn Thành - diễn viên hài, MC quá quen thuộc với khán giả trong những năm gần đây.
Bố già là dự án điện ảnh của năm 2020 rất được mong chờ vì nhiều lẽ. Đối với những người yêu mến Trấn Thành, họ mong đợi sự thể hiện của nam nghệ sĩ ở một sân khấu mới là màn bạc.
Đối với công chúng nói chung, sự mong chờ cũng là kỳ vọng vào cái tên có sức nặng của phòng vé mang đến một tác phẩm chất lượng cho điện ảnh nước nhà.
Dù được giới thiệu là kịch bản Bố già phiên bản điện ảnh được phát triển từ phiên bản web drama đã thành công trước đó của Trấn Thành, thế nhưng đã không có nhiều điểm chung giữa hai phiên bản, từ bối cảnh phim, câu chuyện đến tuyến nhân vật.
Có thể dễ dàng lý giải, dụng ý của Trấn Thành là muốn mang lại cảm xúc mới cho người xem.
Ở Bố già bản điện ảnh, Trấn Thành hóa thân vào vai Ba Sang - làm nghề "thợ đụng" (đụng gì làm đó), từ việc giao gạo mối, thợ hàn xì, sửa đồ gia dụng... để kiếm sống. Ba Sang là con thứ hai trong gia đình bốn anh chị em Giàu (Ngọc Giàu), Sang (Trấn Thành), Phú (Hoàng Mèo) và Quý (La Thành).
Anh chị em Ba Sang sống trong con hẻm nghèo, quanh năm ngập nước, lộn xộn, ồn ào và nhốn nháo. Vì có gia cảnh không giống nhau nên lối sống, cách cư xử của mỗi anh em cũng vô cùng khác thường.
Ba Sang thân "gà trống" nuôi hai con, một con nuôi một con ruột. Quắn (Tuấn Trần) là con trai ruột, làm Youtuber với mơ ước nổi tiếng. Bé Bù Tọt (Ngân Chi), sáu tuổi, được Ba Sang nhặt về nuôi từ khi còn đỏ hỏn.
Dù anh em, xóm giềng lời ra tiếng vào ngăn cản chuyện Ba Sang sống chật vật còn bao đồng khi nhận nuôi thêm bé Bù Tọt nhưng với bản tính hiền lành, nhẫn nhịn, Ba Sang chọn dĩ hoà vi quý.
Về diễn xuất, Trấn Thành hóa thân thành Ba Sang khá tròn trịa và không bị trùng lắp với hình ảnh ở phiên bản web drama. Nhân vật của Trấn Thành gần gũi, chân thực và kiệm lời hơn với hình ảnh người đàn ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, chu đáo dù vẫn rất vụng về và thiếu tinh tế đúng chất đàn ông.
Đó là tiếng người cha gọi con dậy vào buổi sáng, thu gom quần áo bẩn đi giặt, nấu ăn sáng bưng lên tận chỗ nằm cho con trai rồi hì hụi cột tóc cho con gái sáu tuổi để kịp giờ học.
Đó cũng là cảnh Ba Sang dù tóc đã "muối tiêu" vẫn chạy bon bon trong con hẻm ngập nước bẩn với chiếc xe honda cũ mèm chất đầy bao gạo cao ngang đầu để đi giao mối.
Đâu đó, người xem sẽ có cảm giác quen thuộc như đang xem lại thước phim quay chậm về cuộc sống của mình từ nhiều năm về trước qua lối diễn tự nhiên của Trấn Thành.
Những tuyến nhân vật phụ của Bố già như những người chị em của Ba Sang, vợ chồng hàng xóm đều mang dáng dấp người lao động thuần chất, sống cảm xúc, hành động cảm tính dễ gây sứt mẻ tình cảm nhưng tựu chung đều là những con người đơn giản, sống thiện lương và mong cầu cuộc đời yên bình.
Về nội dung, câu chuyện của Bố già không chỉ tái hiện cuộc sống của người lao động mà khai thác được khía cạnh gia đình, sự khác biệt lối sống, suy nghĩ của cha và con.
Ba Sang là người đàn ông giàu tình thương, vì thương mà ở vậy nuôi con nhưng bảo thủ, cố hữu và có phần áp đặt. Cũng vì thương người mà quên đi tình cảm cá nhân, cũng vì thương mà thành mâu thuẫn với con...
Kịch bản có nhiều yếu tố tạo thiện cảm nhưng vẫn làm người xem có cảm giác quá tải vì nhiều nút thắt, kịch tính nhưng mang lại cảm giác bị hẫng khi giải quyết có phần đơn giản, dễ đoán.
Tình tiết Quắn và Bù Tọt nhận cha con còn khiên cưỡng, sự xuất hiện và động cơ của mẹ ruột bé Bù Tọt gây ức chế...
Phần hình ảnh phim mượt mà từ màu sắc, góc máy, đại cảnh hay những cảnh cận để lột tả tâm lý nhân vật được làm tốt. Điểm cộng khác cho Bố già là lời thoại bình dân, đài từ của cả dàn diễn viên đều không có điểm nào để phàn nàn.
Tuy nhiên một số câu thoại gây cười cài cắm trong các màn đấu khẩu không mang lại tác dụng như chủ ý của biên kịch.
Với đề tài phim gia đình, Trấn Thành, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm tốt khi xây dựng hình ảnh "bố già" giàu yêu thương nhưng đâu đó vẫn có sự bảo thủ cố hữu quen thuộc trong hình dung của những người con về cha mình.
Thông qua đó cũng gợi ý một bí quyết vàng để hóa giải mâu thuẫn cha - con, đó là: lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng nhiều hơn.
Bố già giúp chúng ta hiểu đúng hơn câu nói "Mỗi người một cuộc sống" nhưng "Chúng ta có nhiều thời gian còn bố mẹ thì không" mới là thông điệp ý nghĩa hơn từ tác phẩm đầu tay của Trấn Thành.
Với Bố già, Trấn Thành xứng đáng với những lời khen ngợi và sự yêu mến của khán giả dành cho anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận