Bộ phim Bác sĩ hạnh phúc do Trần Phong, Khả Ngân, Lâm Thanh Nhã... đóng chính vừa được phát hành trên Netflix Việt Nam. Phim nhận nhiều chú ý khi remake từ tác phẩm Good Doctor nổi tiếng, từng được Mỹ và Hàn sản xuất cực thành công.
Trong đó, Trần Phong - nam diễn viên thủ vai chính của phim - đang "ngụp lặn" trong cơn bão khen chê từ khán giả.
Trong phim, Trần Phong vào vai Phạm Hoàng Nam - một bác sĩ thực tập sinh mắc hội chứng tự kỷ bác học, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Nhưng ngay từ nhỏ, với khả năng đặc biệt, Hoàng Nam đã ghi nhớ được tất cả bộ phận cơ thể người.
Dưới sự giúp đỡ, dẫn dắt của bác sĩ Phúc (Tùng Yuki), Hoàng Nam đã nỗ lực rèn luyện, phát triển khả năng đặc biệt của mình để hiện thực hóa trở thành bác sĩ phẫu thuật tài ba giữa những định kiến xã hội, sự xem thường của đồng nghiệp.
Có thể nói, nhân vật mới của Trần Phong thể hiện sự tiến bộ trong khả năng diễn xuất, tìm tòi cách thức thể hiện. Khán giả khen ngợi nam diễn viên thể hiện được sự ngô nghê, rụt rè của một người mắc chứng tự kỷ trong phim.
Bác sĩ y khoa có nhiều lỗ hổng
Trần Phong cho biết đây là vai diễn nhiều cảm xúc nhất trong suốt quá trình làm nghề, kể từ sau các tác phẩm anh góp mặt như Mắt biếc hay Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái, Rừng thế mạng…
Nam diễn viên dành nhiều đầu tư khi đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ tự kỷ, quan sát, tìm tòi và tiếp xúc với các em nhỏ để đúc rút, lên ý tưởng cho vai diễn.
Tuy nhiên, bên cạnh lời khen, Trần Phong cũng nhận được nhiều phản hồi so sánh Hoàng Nam với các hình tượng bác sĩ thiên tài do Joo Won, Freddi Highmore thể hiện trong phiên bản Good Doctor nổi tiếng của Hàn Quốc và Mỹ.
Đa số bày tỏ vai diễn này là quá sức với cả Trần Phong và ê kíp khi từ diễn xuất của dàn diễn viên đến cách xây dựng tình huống, kiến thức y khoa đều có nhiều lỗ hổng.
Biểu cảm đảo mắt, ngoẹo cổ của nhân vật Hoàng Nam bị chê làm lố khiến người xem không thấy được "vibe" bác sĩ thiên tài mà như trở thành một nhân vật ngớ ngẩn, thiếu chiều sâu.
Một số bình luận nổi bật của khán giả như: "Good Doctor bản Mỹ dù bị tự kỷ nhưng dòm mặt ánh lên vẻ thông minh. Còn bản Việt Nam thì mặt ánh lên vẻ thiểu năng là rõ"; "Sắc mặt diễn viên nam này rất ám ảnh", "Nam chính diễn rất tuyệt… vọng", "Chẩn đoán tự kỷ là dựa vào hành vi chứ đâu phải dựa vào khuôn mặt? Mặt của tay bác sĩ kia là mặt thiểu năng chứ đâu phải của người tự kỷ"...
Trần Phong đối diện nhiều thử thách trong vai bác sĩ
Đối diện với những phản hồi trái chiều từ khán giả, Trần Phong thừa nhận: "Chính tôi cũng chịu thử thách lớn từ khi đảm nhận vai diễn này.
Thực tế, Good Doctor phiên bản Hàn Quốc hay Mỹ thực hiện đều quá thành công, được khán giả biết đến trước khi nhà làm phim Việt bắt tay vào sản xuất rồi. Không chỉ tôi mà ngay cả ê kíp sản xuất cũng bị áp lực lớn.
Tuy nhiên, không thể nào vì đối mặt với thử thách mà mình ngừng cố gắng. Tôi vẫn đang chăm chỉ phấn đấu từng ngày, lắng nghe những khen - chê để nhận ưu và khuyết điểm của bản thân trong từng vai diễn".
"Tôi không thể ép khán giả yêu thích vai diễn của mình được. Có khen, có chê thì cũng xem như là thành công, vì ít ra khán giả có quan tâm đến bộ phim. Không thể nào vì lời chê bai mà mình nản chí hay nghĩ tiêu cực được. Tôi trân trọng vai diễn và trân trọng cả quá trình ê kíp sản xuất Bác sĩ hạnh phúc làm ra dự án này. Đó là kỷ niệm và trải nghiệm đặc biệt với tôi", Trần Phong nói thêm.
Không chỉ bản thân nam diễn viên chính, kịch bản của Good Doctor bản Việt cũng bị nhặt ra vô số hạt sạn về kiến thức y khoa, chuyên ngành. Chỉ riêng trong tập 1, khán giả trong ngành nhanh chóng chỉ ra nhiều điểm sai trong kiến thức y khoa: gắn ống nội khí quản quá dài, đặt dẫn lưu màng phổi bằng ống hút, dùng sai từ "động mạch cổ"...
Kết lại, với phiên bản remake thì Bác sĩ hạnh phúc (Good Doctor bản Việt) bị đem ra so sánh là điều dễ hiểu. Đặc biệt, thành công quá lớn từ các phiên bản Hàn, Mỹ khiến tác phẩm gặp nhiều áp lực. Nhưng ê kíp làm phim cũng nên đầu tư hơn khi khai thác chủ đề y khoa, một lĩnh vực còn khá mới lạ với điện ảnh Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận