Giờ dùng thuốc có ảnh hưởng nhất định đến thuốc men và người dùng. Đơn giản, so ngày và đêm, vài tham khảo như penicillin tiêm chiều tối đạt nồng độ cao, và lưu lại lâu hơn so với ban ngày. Thuốc ngủ, thuốc lợi tiểu, dùng buổi chiều “phê” hơn buổi sáng. Thuốc tê nha khoa ngấm nhanh hơn vào buổi sáng ...
Chronopharmacologie /dược lý thời khắc, là môn chuyên nghiên cứu chuyện này. Vaccine là thân chủ của dược thời khắc. Chung quy, người ta nhận thấy vào ban ngày, tăng sinh tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T, có vẻ “đượm” hơn. Tương tự, thông qua IgE/tế bào mast, chiều tối là thời điểm mà phản ứng dị ứng có vẻ “rộ” hơn. Mách có chứng, triệu chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn thường nặng lên vào buổi đêm. Xin nhắc, 18 giờ đổ đi là đợt tăng huyết áp trọng điểm trong ngày.
Như vậy, cạn nhẽ, tạm cho ban ngày là thời điểm được ủng hộ hơn cho việc tiêm ngừa. Nói vậy, nhưng đây chỉ là kết quả “in vivo”, thực tế thì khác biệt về đáp ứng miễn dịch giữa ngày và đêm, không to đến độ phải so đo kiểu từng xu. Các nhà sản xuất cũng không thấy có khuyến nghị chính thức nào về việc tiêm ngày hay đêm.
Riêng dị ứng, có phần đắn đo hơn chút, nhưng là cho những ai có khúc mắc rõ ràng với tối muộn, chẳng hạn tiền sử dị ứng buổi tối, gặp tác dụng phụ với mũi tiêm muộn... Xin nhắc, không phải cứ mắc mứu với dị ứng là dính sốc vaccine.
Tiêm vaccine sau 18 giờ là cách đối phó giãn cách xã hội. Nếu khỏe mạnh, không có lý do gì để bạn từ chối mũi tiêm. Vả lại, nếu khúc mắc, người tiêm có thể chuyển mũi của mình sang phiên khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận