Thực hư vấn đề này ra sao, mời bạn đọc tìm câu trả lời qua câu chuyện vui của một gia đình.
Chú thím Sáu đang chuẩn bị ăn tối thì cô con gái đưa một tờ báo, nói với vẻ nghiêm trọng:
- Ba mẹ ăn tôm đừng có vắt chanh vô nha, có người bị chết đó. Vitamin C trong chanh phản ứng với arsen có trong tôm, tạo thành chất độc.
- Gì kỳ vậy, hồi đó tao cua má mày bằng món tôm luộc chấm muối tiêu chanh đó. Ăn vậy mà chết thì sao có tụi bây?
Chú Sáu cầm tờ báo, đọc một lượt rồi quay sang hỏi chú Út:
- Chú là bác sĩ, giải thích giùm anh cái này đi, chứ báo nó đăng đàng hoàng nè!
- Vụ này là một trò đùa ở nước ngoài từ những năm 2000, mới được dân mình “nhập khẩu” gần đây để câu like. Thứ nhất, hải sản không chứa arsen vô cơ, mà chỉ có arsen hữu cơ không độc, giống như trong nước mắm truyền thống có arsen hữu cơ đó. Thứ hai, giả sử trong tôm có arsen vô cơ thì đã gây ngộ độc, chứ không cần có vitamin C “tái chanh” hay không. Thứ ba, vitamin C không có tác dụng gì lên arsen hết. Trên thực tế, người ta còn dùng vitamin C để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm độc khi hóa trị ung thư bằng thuốc Arsen trioxide.
- À, bữa trước anh còn nghe gan heo không được xào chung với giá nữa! Nói sắt và đồng trong gan heo sẽ oxy hóa vitamin C trong giá, thành chất bã gì đó...
- Thịt bò cũng chứa nhiều đồng và sắt đó. Vậy nó cũng kỵ xào với giá luôn à? Trong hầu hết rau củ quả đều có vitamin C, vậy gan heo cũng không được xào chung à? Toàn thông tin nhảm, nếu ngồi kể mấy cái tào lao kỵ với bí đao như vậy chắc cả ngày không hết!
- Ủa, mà sao hôm nọ vừa đọc bài báo đó xong, thì tình cờ nhà anh cũng ăn món gan heo xào giá. Anh vừa ăn vừa ngó chừng, ăn xong thì bị đau bụng. Lúc đó mới thấy bài báo có vẻ đúng?
- Sai bét anh ơi. Ăn uống và tiêu hóa có liên hệ rất mật thiết đến hệ thần kinh. Anh có thấy là khi anh đang căng thẳng, anh ăn gì cũng không thấy ngon. Khi anh vừa ăn vừa lo lắng vụ kỵ nhau, hệ thần kinh cũng sẽ cộng hưởng theo, nó sẽ giải phóng các hormon như adrenaline hay noradrelaline làm rối loạn quá trình tiêu hóa, nên mình sẽ thấy đau bụng, tiêu chảy hay nôn ói để đạt mục đích cuối cùng là tống khứ cái “thức ăn mình nghĩ là độc” này ra ngoài! Ngược lại, nếu tinh thần anh cảm thấy thoải mái, anh sẽ ăn ngon miệng, hệ tiêu hóa cũng sẽ làm việc tốt theo đúng chức năng của nó, thì không có chuyện gì xảy ra cả. Do đó, người ta khuyên khi ăn nên tập trung vào chuyện ăn thôi, mọi rắc rối gác qua một bên, để tránh bị tình trạng ăn khó tiêu hay đau dạ dày.
- Ủa, vậy mình ăn uống thoải mái, hoàn toàn không sợ kỵ gì sao?
- Hầu hết là vậy, chỉ có một số kiêng cữ giữa đồ ăn và thuốc men thôi anh.
Coi chừng đường ăn đụng độ với đường uống!
- Những bệnh nhân đang dùng thuốc hạ cholesterol như simvastatin, atorvastatin thì tránh uống nước ép bưởi, vì nước ép bưởi làm giảm sự đào thải của nhóm thuốc này, làm thuốc ở trong máu lâu hơn, sẽ gây tổn thương gan, thận. Nước ép bưởi cũng làm mất tác dụng một số thuốc chống dị ứng như fexofenadine.
- Bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị tiểu đường như metformin, gliclazid, thuốc kháng nấm, thuốc trị lao thì cần tránh uống rượu, vì có thể tạo hiệu ứng antabuse, gây giãn mạch nặng, tụt huyết áp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Các thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm uống chung với rượu có thể gây hôn mê sâu. Mấy anh bợm nhậu hay bày nhau dùng pH8 (aspirin) để giải say rượu, giải rượu thì không thấy đâu, chỉ thấy gây xuất huyết bao tử. Còn đang uống thuốc trị gout như colchicin mà uống rượu thì ngoài gây xuất huyết bao tử còn làm tăng acid uric máu.
- Những bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu như wafarin thì cần tránh xa các thực phẩm giàu vitamin K như cải thìa, bông cải xanh.
- Uống sữa có thể làm giảm hấp thu các thuốc kháng sinh như tetracycline, doxycycline, và ciprofloxacin. Vì vậy cần uống các loại thuốc này cách xa uống sữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận