Mới đây, đài CCTV (Trung Quốc) đã đưa câu chuyện về chàng trai sống ở nông thôn tỉnh Hà Nam để nhấn mạnh việc quản lý lỏng lẻo các streamer - thần tượng trực tuyến, trong chương trình Chủ đề tiêu điểm vào ngày 25-5.
Mê mệt streamer, chuyển tiền không giới hạn
Cụ thể, nam thanh niên này đã cùng người anh trai mắc chứng tâm thần của mình "donate" (PV - tặng tiền) cho một streamer yêu thích. Số tiền lên đến 1,5 triệu nhân dân tệ (gần 5 tỉ đồng) khiến công chúng "giật mình".
Theo Sixthtone, phần lớn số tiền này là khoản bồi thường khi cha của họ qua đời vì một vụ tai nạn lao động trên công trường xây dựng. Người đàn ông đã có lúc chi đến 150.000 nhân dân tệ (gần 500 triệu đồng) trong một ngày cho nữ streamer trẻ tuổi.
Được biết, thần tượng trực tuyến này đã dụ dỗ anh chàng bằng việc hứa hẹn gặp gỡ trực tiếp ngoài đời. Tuy nhiên, đó chỉ là một lời nói dối.
Ở một trường hợp khác, một cậu bé 15 tuổi đã tiêu hơn 60.000 nhân dân tệ (gần 200 triệu đồng) từ tài khoản ngân hàng của mẹ để "tặng" một nữ streamer khác.
Nữ thần tượng này còn gửi cho cậu thiếu niên những bức ảnh khiêu dâm của mình. Thậm chí, còn hứa hẹn sẽ "thưởng" thêm nếu cậu tiếp tục "boa" cho cô ấy.
Đài CCTV nhận định rằng, các nền tảng phát sóng trực tiếp đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bất chấp cảnh báo từ chính quyền.
Bởi theo chính sách được thiết lập vào năm 2021, phía cung cấp các dịch vụ phát sóng trực tiếp phải đặt giới hạn về tiền "donate", thiết lập thời gian "nghỉ ngơi" hoặc trì hoãn việc chi trả tiền để ngăn chi tiêu bốc đồng.
Doanh thu khổng lồ từ phát sóng trực tiếp
Phát sóng trực tiếp đang dần trở nên phổ biến rộng rãi ở đất nước tỉ dân trong những năm gần đây. Theo một báo cáo của ngành, có hơn 150 triệu tài khoản phát trực tiếp và tạo ra doanh thu đạt gần 200 tỉ nhân dân tệ/năm (664.784 tỉ đồng).
Tính năng "donate" thường được sử dụng dưới hình thức tặng quà ảo, là một nguồn thu nhập quan trọng cho những người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, việc gửi tặng tiền một cách phung phí từ người dùng "bị nghiện" các nền tảng như vậy dần trở thành một xu hướng đáng lo ngại.
Nhiều nền tảng còn tìm cách "moi tiền" người dùng bằng nhiều chiêu trò khác nhau, như cho phép hai người phát trực tiếp cạnh tranh để giành được nhiều quà tặng ảo hơn trong một thời gian nhất định.
Năm 2022, một nhân viên thu ngân ở Bắc Kinh đã lừa đảo hơn 25 triệu nhân dân tệ từ công ty của mình, rồi "nướng" hết số tiền đó cho những người phát trực tiếp. Đôi khi, người này hào phóng đến mức thực hiện cả 10.000 giao dịch mỗi ngày. Cuối cùng, cựu nhân viên văn phòng phóng khoáng đã nhận 13 năm tù giam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận