Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%.
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết Niệu-Thận Học Việt Nam cho biết các khảo sát cho thấy Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, hay còn gọi là “Vùng sỏi thế giới. Theo một thống kê y học, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như địa lý, khí hậu, chủng tộc, chế độ ăn uống và di truyền. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm góp phần làm tăng tỷ lệ sỏi niệu tại nước ta.
Thời tiết nóng ẩm, dễ kết tủa sỏi
Giải thích về việc tại sao khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã góp phần làm tăng tỷ lệ sỏi niệu tại nước ta, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên cho biết, ở những vùng khí hậu nóng nực, con người sẽ mất nước qua hơi thở và mồ hôi nhiều hơn, lượng nước tiểu ít hơn. Khi lượng nước tiểu ít hơn mà các chất thải của cơ thể vẫn y như vậy, thì nồng độ nước tiểu đậm đặc hơn, dễ kết tủa sỏi hơn.
Để phòng ngừa sỏi thận PGS Vũ Lê Chuyên khuyên mọi người nên uống nhiều nước. Tuy nhiên, PGS Vũ Lê Chuyên cũng lưu ý lượng nước uống vào tùy thuộc vào lượng tiểu ra bao nhiêu, để lượng nước tiểu phải đủ để hòa tan những chất thải của cơ thể. Ví dụ, người làm việc ở vùng cao thì không cần uống nhiều, vì khí hậu lạnh khiến họ đi tiểu nhiều hơn; còn những người làm việc ở môi trường nóng nực như trong lò than khiến mồ hôi ra nhiều, các vận động viên ra mồ hôi nhiều nước hơn…sẽ phải bù nước hơn người bình thường.
Theo PGS Vũ Lê Chuyên, với sỏi thận có kích thước nhỏ, người bệnh có thể được điều trị nội khoa bằng cách cho uống nước nhiều và dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi. Còn đối với sỏi thận có kích thước lớn, không thể điều trị bằng phương pháp nội khoa, thì các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở được lựa chọn.
Tán sỏi thận qua da giúp sạch sỏi lên đến 90%
Phương pháp tán sỏi thận qua da (PCNL-Percutaneous nephrolithotomy) có những ưu điểm như ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả cao. Phương pháp này đang được áp dụng rộng khắp tại nhiều nơi trên thế giới, và được thực hiện tại các bệnh viện chuyên điều trị sỏi thận tại nước ta.
Ưu điểm của lấy sỏi qua da so với mổ mở là người bệnh được điều trị ít xâm hại, bảo tồn chức năng thận, phục hồi nhanh sau mổ và thời gian nằm viện ngắn. Tỷ lệ sạch sỏi của phương pháp này lên đến 90%.
Trong phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bác sĩ tạo ra một đường hầm tiếp cận viên sỏi từ ngoài da tại vùng hông lưng. Đường hầm có kích thước khoảng 1 cm nên vết rạch da rất nhỏ, bác sĩ sẽ đưa thiết bị vào qua đường hầm này để tán vỡ vụn sỏi, và lấy các mảnh nhỏ ra ngoài.
Trong khi đó, nếu mổ mở, người bệnh sẽ phải chịu một đường mổ dài khoảng 15 cm ở vùng hông lưng. Vết mổ cắt đứt cơ vùng hông lưng, gây tổn thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận... Do đó tổn thương sau mổ mở là khá lớn, đòi hỏi thời gian sau phẫu thuật kéo dài, lâu hồi phục và mức độ đau sau mổ nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận