Chụp X quang bác sĩ chẩn đoán “cơn đau quặn thận do sỏi”, sinh hoạt tình dục như một gắng sức khiến viên sỏi chuyển động, va đập vào nhu mô thận gây đau, không khác gì bị mảnh thủy tinh cắm vào da thịt.
Bị sỏi thận vì... ăn uống
Mỗi ngày thận lọc chừng 1.500 lít máu được 1,5 đến 2 lít nước để hòa tan những chất độc cần thải ra ngoài. Bình thường nước tiểu hòa tan những chất cặn bã của cơ thể do chuyển hóa vật chất sinh ra như u-rê, creatinin, can-xi, oxalate, phosphate, acid uric…, nhưng nếu các chất cặn tăng hoặc nước tiểu ít không đủ để hòa tan, thì cặn lắng lại thành thể rắn, lâu ngày to dần tạo ra hòn, cục gọi là sỏi.
Loại sỏi thường gặp (chiếm 80-90%) là sỏi canxi. Lượng canxi dư thừa trong máu (do ăn nhiều, do rối loạn hormone tuyến cận giáp, bệnh đường ruột không hấp thu được can xi, béo phì, suy thận…) nó sẽ kết hợp với oxalate hoặc phosphate để hình thành sỏi. Có 10-15 % sỏi sinh ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Lượng ammoniac tăng do nhiễm khuẩn, do ăn bơ sữa fomát nhiều.
Và có khoảng 5-8% là sỏi acid uric gặp ở những người bị bệnh goute liên quan đến các bợm nhậu. Các nhà dinh dưỡng cho rằng khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của sỏi. Những người ăn nhiều muối, nhiều thịt, đường tinh lại ăn ít chất xơ, đạm thực vật, uống ít nước làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Làm sao biết mình bị sỏi thận?
Một kẻ địch âm thầm chui vào cơ thể. Nó lớn lên cũng âm thầm, đến khi phát hiện ra thì nó đã lớn trở thành nguy hiểm. Chúng ta đi siêu âm bụng thấy ghi “ có cặn”, chẳng ai đưa ra lời khuyên cần phải làm gì nên cho qua. Chính cặn lắng lại mỗi ngày một chút mà hình thành sỏi. Chỉ đến khi viên sỏi lớn dần, gây đau âm ỉ vùng thắt lưng hay đau quặn dữ dội khi làm việc nặng mới đi bệnh viện tìm thủ phạm.
Nếu viên sỏi lay lắc làm tổn thương nhu mô đến mức chảy máu thì nước tiểu có màu đỏ. Nếu viên sỏi gây tổn thương rồi vi khuẩn thừa cơ xâm nhập, hoành hành thì bạn sẽ sốt cao, nước tiểu đục.
Hình dáng sỏi cũng đa dạng: có thể tròn, có thể xù xì. Số lượng có khi chỉ một viên nhưng có khi nhiều viên xếp chồng lên nhau. Sỏi từ bể thận có thể rơi xuống niệu quản nằm đó như vật cản làm ứ nước thận, các đài bể thận giãn ra, thận to gây đau tức vùng thắt lưng.
Nếu viên sỏi bé (<4mm), nhờ dòng chảy và áp suất của nước tiểu mà nó rơi xuống bàng quang rồi theo niệu đạo ra ngoài. Có người thấy tiểu ra sỏi tưởng vậy là hết bệnh nên chủ quan, không phòng ngừa. 50% những người bị sỏi thận sau khi điều trị sẽ tái phát sỏi. Vì thế việc phòng ngừa trở nên rất quan trọng.
Hậu quả của sỏi thận
Sỏi chặn đường đi xuống bàng quang của nước tiểu gây ứ nước làm thận to dần ra. Để lâu toàn bộ thận sẽ nhiễm trùng trở thành ứ mủ ở thận. Nhiều người chủ quan hoặc thiếu hiểu biết nên cứ uống thuốc giảm đau, đến bệnh viện quá trễ phải cắt bỏ một bên thận. Nếu bên thận còn lại không mắc bệnh thì có thể hoạt động bù nhưng nếu nó cũng đang ở trong tình trạng ứ nước thì quả là nan giải. Một ngày không có thận, các chất độc sẽ ứ lại gây ngộ độc thần kinh và toàn thân dẫn đến chết.
Loại bỏ sỏi nhỏ không cần mổ
Là loại bỏ những vị khách không mời mà đến để tránh hậu họa suy thận. Không phải phẫu thuật, có thể tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng siêu âm chiếu qua da thẳng vào viên sỏi và làm chúng vỡ vụn rồi ra ngoài theo nước tiểu. Phương pháp này nhằm tán sỏi nhỏ. hoặc tán sỏi qua da bằng cách đưa đầu dò qua da vùng thắt lưng vào thận. Viên sỏi được tán nhờ sóng siêu âm và hút ra ngoài qua ống. Phương pháp này dùng để tán sỏi lớn, đã làm ứ nước nhẹ ở thận. Khi sỏi cài răng lược vào nhu mô thận hoặc sỏi lớn >40mm mới cần phẩu thuật để lấy sỏi ra. Đông y có chuối hột, kim tiền thảo được chữa theo kinh nghiệm dân gian cũng có tác dụng trong một số trường hợp.
Uống nhiều nước để phòng bệnh
Phòng bệnh đơn giản, dễ thực hiện là uống nhiều nước. Nước lọc, nước trà xanh mỗi ngày uống 2 lít. Nghiên cứu của các nhà khoa học vùng Tây Nam nước Mỹ thấy rằng nếu bạn uống mỗi ngày 1 ly nước cam vắt sẽ giúp ngăn ngừa tái phát sỏi thận, vì trong nước cam chứa chứa citrate có thể đóng vai trò trong kiểm soát bệnh sỏi thận. Khi uống thuốc giảm độ acid của dạ dày (antacid) cũng cần thận trọng vì chúng chứa can xi, aluminum dễ tác dụng với oxalate tạo ra kết tủa thành sỏi.
Có 2 loại vitamin cần cho người sỏi thận. Uống vitamin B6 chừng 10mg/ngày sẽ làm giảm lượng oxalate trong nước tiểu. Uống 5.000 UI (đơn vị) vitamin A mỗi ngày sẽ giúp điều hòa nước tiểu, tránh lắng đọng sỏi thận. Muối cũng là một yếu tố thuận lợi phát sinh sỏi thận. Nên ăn lạt chừng 3 g muối trong tổng các bữa ăn. Tránh ăn quá 150g thịt một ngày vì có thể làm tăng acid uric gây sỏi. Điều quan trọng nhất cần nhớ : cuộc sống năng động sẽ hướng can xi về xương nhiểu hơn, tránh được sỏi thận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận