Người bệnh cứ đơn giản ra tiệm thuốc Đông, Tây y mua về uống theo chỉ dẫn của người bán hơn là theo toa của bác sĩ.
Thuốc bổ trên thị trường
Không một hãng dược phẩm nào trên trái đất này lại thiếu món “bổ” trong danh mục.
Nhưng nếu phân loại thì chúng ta có 2 loại chính: Tây y và Đông y. Tây y cho rằng vì bệnh tật, vì chế độ ăn mất cân đối nên cơ thể thiếu hai thứ cơ bản là vitamine và chất khoáng. Vì thế thuốc bổ Tây y chủ yếu là hai loại này.
Đông y dựa theo học thuyết âm dương ngũ hành cho rằng: thiếu chất nào đó tức là mất cân bằng âm dương, và lập tức cơ thể có những rối loạn biểu hiện bằng sắc diện, màu da, mái tóc, giấc ngủ, đại tiểu tiện, rêu lưỡi, độ mạnh yếu của mạch đập….Vì thế thuốc bổ đông y bao gồm nhiều vị trong đó đủ cả “quân, thần” để tái lập cân bằng toàn thân. Cuối toa bao giờ cũng có lời khuyên về ăn uống, kiêng món gì, ăn thực phẩm nào…
Tại sao phải bổ sung vitamine và chất khoáng?
Vitamine là những hợp chất hữu cơ mà tế bào người và động vật không thể tự tổng hợp (trừ vitamine D). Chúng có mặt trong thức ăn với số lượng nhỏ, không sinh năng lượng nhưng rất cần thiết cho một số phản ứng chuyển hóa giúp duy trì sự phát triển và sự sống bình thường, vì thế từ "vital" còn có ý là “sự sống”. Thiếu chúng sẽ gây nên bệnh lý toàn thân, khi thì biểu hiện trên da, tóc, móng, khi ảnh hưởng đến não bộ.
Tạm thời có thể chia ra 2 loại vitamine chính: vitamine tan trong dầu mỡ : A,D,E,K và vitamine tan trong nước : C, B1, B2, B5, B6, B12, acid folic (vitamin B9) biotin(vitamine B8), pp (vitamin B3).
Có vitamine tham gia trong cấu tạo hồng cầu như vitamine B12, thiếu nó bạn sẽ bị thiếu máu. Vitamine A,C,E thì tham gia vào việc điều hòa sự tăng trưởng. Vitamine A,D, C, B2, PP giúp phát triển tế bào biểu mô. Vitamin A,C tham gia trong hệ miễn dịch. Vitamine nhóm B (B1, B2, PP,B6) tham gia xúc tác trong dẫn truyền thần kinh. Vitamin A bồi bổ thị lực, thiếu nó sẽ bị quáng gà. Vitamin C,K tham gia trong quá trình đông máu, một phản ứng bảo vệ cơ thể. Vitamin E,A,C là những chất chống lão hóa.
Bên cạnh đó, chất khoáng (minerals) là những chất vô cơ cũng có trong thực phẩm và cũng là những chất vô cùng cần thiết. Chẳng hạn can xi, ma giê, sắt, đồng , phot pho cùng với protein tạo ra xương, răng. Natri, kali tham gia trong hoạt động của tế bào, giúp các men hoạt động. Can xi, kali là những nguyên tố quan trọng trong hoạt động của cơ tim. Kẽm là thành phần trong tinh dịch giúp các chú tinh binh đủ sức khỏe mà đua marathon. Selen là nguyên tố tham gia chống quá trình o xy hóa….
Thực tế cho thấy một chế độ dinh dưỡng có đủ thịt, cá, rau, củ quả với bộ tiêu hóa bình thường đã cung cấp cho cơ thể những vitamine cần thiết. Nhưng hiện nay ta đang ăn theo kiểu ngon miệng, thích gì ăn nấy nên tình trạng thiếu vitamine sẽ xảy ra. Vitamin D là “trời cho” nhưng nếu trẻ không tắm nắng sáng sớm, hoặc người lớn ra đường bưng kín toàn thân như thám tử thì tiền vitamin D cũng không thể nhờ tia nắng mặt trời mà biến thành vitamin D được.
Khi nào thì thuốc bổ thành hại?
Chúng ta nhớ thuốc là con dao hai lưỡi nên ở các nước cứ phải đến bác sĩ có toa mới mua được. Còn ta dùng thuốc thoải mái và người bán thuốc vì doanh thu cứ « ca » những thứ giúp cho doanh thu của họ.
Những người bộ tiêu hóa còn tốt thì ăn thực phẩm luôn là cách bổ sung đúng nhất. Danh y Biển Thước đã nói : « Người làm nghề y, khi xem bệnh, biết chỗ bệnh nhân đã phạm, nên dùng thức ăn để trị, trị không khỏi hãy dùng thuốc » , vì thế y học Đông phương quan niệm thực phẩm và dược phẩm có cùng gốc (dược thực đồng nguyên). Chẳng hạn ta dùng những trái cây màu đỏ sẽ không thiếu vitamin A. Nhưng nếu bạn uống vitamin A quá liều sẽ gây ngộ độc. Dùng vitamin D điều trị còi xương cũng phải có bác sĩ trong bệnh viện theo dõi. Phụ nữ có thai dùng vitamin A quá liều có thể gây quái thai.
Đầu thế kỷ 20 người ta coi vitamin C như thần dược nhưng hiện nay lạm dụng vitamin C liều cao sẽ làm giảm hấp thu đồng, nicken. Có những bệnh nhân dùng vitamin C liều cao 2.000 – 5.000 mg/ngày đã có biểu hiện lâm sàng như xương chậm phát triển, mềm, dễ biến dạng, dễ bị viêm kết mạc, loét dạ dày. Nếu như dùng vitamin C liều cao và trong thời gian dài sẽ có nguy cơ sỏi thận. Thai phụ dùng vitamin C trong 3 tháng đầu có nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Vitamin E được công nhận là chất chống o xy hóa nhưng nếu dùng liên tục với liều > 300 UI/ ngày sẽ có thể bị rối loạn thị giác, liều cao hơn sẽ ức chế sinh dục. Đó là chưa kể bạn bị chẩn đoán là thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt, vừa uống viên sắt vừa uống vitamin E thì mất tác dụng cả hai.
Một số phụ huynh ra tiệm thuốc đi tìm loại « bổ óc » giúp con học thi. Thật ra chúng chỉ dùng điều trị trong những trường hợp suy nhược chứ làm gì có vụ uống xong trẻ thông minh , học đâu nhớ đó. Chẳng hạn thuốc ống Biotone chứa saccharose và cafeine làm cho các cô cậu tú tỉnh táo nhưng thần kinh bị kích thích, sau sẽ mệt đừ.
Các bậc cha mẹ quan tâm đến chiều cao thì cho con uống thật nhiều can xi hoặc uống sữa liên tục. Canxi mà thiếu vitamin D như chất dẫn thì lại không vào xương được mà chạy xuống thận gây sỏi. Uống sữa quá liều , chả tập luyện lại thiếu vitamin D và các chất tạo xương khác thì sẽ phình bề ngang mà không thấy dài chiều dọc.
Còn sâm? Đúng là thuốc bổ quí nhưng các bạn cũng dừng dùng vô tội vạ. Đang tiêu chảy mà dùng một ly sâm với hy vọng đỡ mệt thì « hàn ngộ hàn tắc tử » nguy to đấy . Lời khuyên đúng đắn nhất là các bạn cứ gặp bác sĩ để muốn bổ thì được bổ chứ không thành độc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận