Tôi có 15 năm làm việc cùng ông. Ông về hưu, nhà gần, hai chú cháu một già một sắp già thì mỗi trưa chủ nhật ngồi trà đá với nhau. Cô Tâm vợ ông dành cái phòng đẹp nhất nhà, gắn máy lạnh cho ông ngồi viết. Tôi tới, ông kéo vô phòng pha trà, mở máy lạnh: "Mình ngồi phòng kín hút thuốc cho khỏi ảnh hưởng mấy đứa nhỏ". Hai năm nay thì không hút nữa.
Ông Sao Biển có thể ngồi cả ngày nói về đủ chuyện. Ông kể từ chuyện đi câu, đi giăng lưới. Năm năm làm giáo sư trung học ở Bạc Liêu và những năm cơ cực ở Nhà Bè sau giải phóng đã biến ông thành người giăng câu chuyện nghiệp, cơm gạo chớ không hề tài tử. Đi Cà Mau với ông, dừng xe hút thuốc, ông nhìn xuống mương: "Đố mày mấy cái tăm mới nổi là của con cá gì?".
Ông rành Hán văn và đọc, nghiên cứu, biên khảo về truyện võ hiệp của Kim Dung thì ở Việt Nam, ông là một trong những người tầm cỡ nhất. Nhưng vấn đề là ông luôn có những lý giải rất hài hước mà chính xác về các nhân vật. Có lần ông nói: "Thằng Vi Tiểu Bảo rất nguy hiểm nghe mày". Tôi nói nguy hiểm sao chú? Ông nói nguy hiểm là nó có nhiều hành vi gây hại cho xã hội. Hỏi ông căn cứ vào đâu mà nói ngon lành vậy, ông nói tao căn cứ vào… Bộ Luật Hình Sự Việt Nam 1999.
Xong, ông nói ta phải luận tội thằng ni mới được. Tưởng ông nói giỡn, ông chơi luôn một chương trong cuốn “Kim Dung giữa đời tôi” có nội dung là “Bản luận tội Vi Tiểu Bảo”. Ông lấy các quy phạm pháp luật hình sự Việt Nam ra để chứng minh nhân vật võ hiệp này phạm tới 10 tội từ hiếp dâm, giả mạo trong công tác, đưa và nhận hối lộ, giết người. Ông nói thằng ni rất nguy hiểm, nó mù chữ, nó chỉ biết có 4 chữ mà có tới 7 bà vợ. 4 chữ mà Vi Tiểu Bảo biết là Nhất, Nhị, Tam và Tiểu (trong cái tên Vi Tiểu Bảo của y).
Rồi ông nói: Ta hỏi nghiêm túc, mi trả lời thử. Thằng nớ biết 4 chữ mà có tới 7 vợ, trong khi ta viết sách, viết nhạc, viết báo kể đến hàng triệu chữ thì có mỗi một bà vợ. Mi coi đời có bất công không?
Ông hỏi Hiển mày biết vì sao thằng Vi Tiểu Bảo nó thành đạt hông? Hỏi vì sao? Ông nói vì nó có thể làm bậy, bất chấp, không sợ ảnh hưởng tới gia phong. Con cái không bao giờ được lấy cha mẹ ra mà thề, nhưng thằng cu Bảo đó nó sẵn sàng làm điều đó với suy nghĩ: Mẹ ta sinh ra ta nơi kỹ viện thì biết cha ta là thằng con bà nào, mắc chi không lấy y ra mà thề?
Ông nói cuộc đời lạ lắm, tao coi vầy chớ về già tư thế lại lên cao. Tôi nghĩ dĩ nhiên rồi, với tài năng thế và lao động miệt mài như thế thì dĩ nhiên tư thế ông phải cao. Ông Sao Biển nói: Mi giải thích trật lất. Ngày xưa hồi đi dạy ở Nhà Bè, khổ quá tao đi giăng lưới kiếm cá bán mua gạo. Tao giăng lưới dưới ruộng, con bò thì ăn cỏ trên bờ ruộng nên tao đứng thẳng thì cũng chỉ cao bằng cái miệng con bò. Bây giờ già mệt mỏi quá tao ở miết trong phòng trên lầu, thì cao hơn hồi đó. Tư thế là chỗ đó!
Hai chú cháu được mời đi giảng dạy cùng khoa Báo chí ở ĐH KHXH & NV TP.HCM, tôi thấy ông soạn giáo án kỹ ghê lắm. Học trò ngồi nghe mải mê, ông giảng bài cũng hay như khi ông nói chuyện về Kim Dung hay chuyện giăng câu thả lưới. Tính ông là vậy, cái gì cũng điềm đạm nhưng đầy say mê.
Có sáng mệt, tôi bỏ ăn sáng, bỏ luôn ăn trưa. Nghe ông mới bị tai biến nhẹ, tôi qua thăm, ngồi uống trà với ông. Ai dè về tới nhà thì đến phiên tôi đi cấp cứu vì tai biến. Ra viện, lại qua uống trà với ông, ông dặn đừng chủ quan sức khỏe, không hăng hoài như hồi trẻ được đâu. Rồi ông cười, lại dẫn Kim Dung: “Tuổi trẻ kinh ghê mi hỉ. Có đứa nó ngửi được mùi gái trong vòng mười dặm!”.
Ông Sao Biển giỏi chữ nho, và hay lấy chữ nho ra đùa. Cái chuyện gì làm không công, bị nẫng tay trên, người Nam Bộ nói là cầm c… cho thằng khác đái. Ông nói mình có văn hóa, đừng nói bậy như vậy. Nói cho nó tao nhã là “Cử điểu dĩ tha nhân tiểu tiện” nghe nó thanh thoát hơn!
Có bữa đang tưới cây, con trai tôi nói hôm trước bố đi vắng, ông Bì (nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) qua rủ bố uống trà. Bèn qua nhà ông, hai chú cháu cởi trần ngồi bệt nhìn ra hiên nắng. Ổng rủ: "Hiển, châm bình trà ngồi ca chơi!".
Nhạc sĩ “Thu, hát cho người” nói để tao đãi mày bolero. Bài này tao mới viết: “Năm xưa, có người ngại gió mùa đông/ Đã vội vàng trao xuân hồng/ Thả hoa trinh trắng theo dòng...”
Ông kể: bài “biệt ca” này tao chưa công bố. Vậy mà hôm rồi đi Long Khánh hát thử cho bạn bè nghe, có thằng kia thích quá nên xin một bản. Hỏi ra mới biết nó xin để đi hát... đám ma!
Giờ thì gia đình, bạn bè và lối xóm đang chuẩn bị đám cho ông, tiễn ông người ta nhớ những khóc cười cùng âm nhạc văn chương của ông. Tôi thì nhớ đến ông Đồ Bì trào phúng. Tụi con nít trong xóm, có đứa còn quá nhỏ để biết đến Thu, hát cho người. Nhưng chúng biết một ông Bì hiền lành ngồi cà phê mỗi sớm mai đầu hẻm. Ông thường hấp háy mắt và khen tụi nhóc: Thằng ni ngon ghê hỉ?
Cứ an yên mà phiêu diêu cùng mây trắng, ông Đồ Bì ơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận