Clip những màn trình diễn parkour "sơ khai" của David Belle.
Trang Urbanfreeflow ghi nhận, đầu thế kỷ 20, Georges Hebert (1875-1957) - một quân nhân người Pháp - bắt đầu để ý và tổng hợp những kỹ năng phản xạ, vượt vật cản của người bản địa châu Phi. Ông hướng dẫn cho binh sĩ áp dụng những kỹ năng nhảy, trèo, chui,… này vào những bài hành quân và tác chiến độc lập, đặc biệt ở chiến trường là thành thị.
Trong 2 cuộc Chiến tranh Thế giới, phương pháp của Hebert dần được sử dụng rộng rãi, trở thành một môn học trong hệ thống đào tạo quân sự tại Pháp. Phương pháp này theo chân người Pháp đến Đông Dương.
Raymond Belle (1939-1999) là con lai, mẹ người Việt Nam, cha là quân nhân người Pháp. Người cha qua đời khi Raymond 7 tuổi, mẹ gửi ông lên một trại huấn luyện quân sự cho trẻ mồ côi tại Đà Lạt.
Tại đây, ông nhanh chóng yêu thích những phương pháp di chuyển tránh vật cản. Mỗi tối, Belle đều dành thời gian luyện tập các “chiêu thức” này cho thuần thục. Ông cũng sáng tạo ra nhiều cách đi, nhảy, chui,… mới toanh nhưng dễ áp dụng.
Khi trở về Pháp, Raymond tham gia vào Quân đoàn Cứu hỏa đặc nhiệm Paris. Khi đó, Raymond 19 tuổi, tiếp tục phát triển những bài tập luyện của mình khi còn ở Việt Nam. Ông đặt tên cho chúng là “Le parcours”.
Con trai của Raymond, tên David Belle (1973), là thế hệ F1 tiếp nối. Đam mê với những màn chuyển động linh hoạt của người cha, David cùng một nhóm 8 người bạn khác bắt đầu luyện tập, kết hợp với những qui định khắc nghiệt tự đặt ra như trong môi trường quân đội.
Đến năm 1997, David cùng nhóm bạn chính thức trình diễn màn bay nhảy, leo tường, trèo nóc nhà,… trước công chúng. Đây là màn biểu diễn công bố sự ra đời của một bộ môn nghệ thuật - thể thao mới, được gọi là “Art du déplacement” (nghệ thuật của chuyển động).
David nổi tiếng, tham gia một số bộ phim hành động nhờ tài năng của mình. Ông đổi tên “Parcours” thành “Parkour” như hiện nay. Đến năm 2009, David cho ra mắt cuốn sách “Parkour” chia sẻ về bộ môn này cũng như kể lại con đường mình đã trải qua.
Dù "ông tổ” Parkour mang một phần dòng máu Việt, mãi đến cuối những năm 2000, bộ môn này mới du nhập vào Việt Nam. Từ đó đến nay, cộng đồng Parkour không ngừng phát triển, nhất là tại những thành phố lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận