Theo CNN, cô Ratchadawan Puengprasoppon, một cư dân sống ở huyện Hua Hin, phía tây tỉnh Prachuap Khiri Khan (Thái Lan) đã bị đánh thức vào giữa đêm khi thấy một âm thanh lục đục loảng xoảng bên trong nhà bếp của mình.
Tuy sợ hãi nhưng cô vẫn rón rén đi xuống lầu để kiểm tra và bắt tên trộm. Nhưng đèn điện vừa bật lên, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng cô Ratchadawan vẫn bị phen “đứng tim” khi kẻ trộm là một con voi to lớn đang thò đầu vào bếp qua bức tường đã bị vỡ.
Vốn dĩ, mảng tường ấy bị hỏng từ tháng trước, cũng do một con voi ở đâu đến húc vào. Và con voi này đã tận dụng lỗ hổng ấy để thò đầu vào bên trong.
Cô Ratchadawan không biết phải làm gì, đành lấy điện thoại ghi lại “bằng chứng” của vụ trộm. Cảnh quay cho thấy con voi to lớn dùng vòi để khua khoắng nồi niêu xoong chảo trong bếp hòng tìm thức ăn.
Ratchadawan cho biết chuyện voi đi lại trên các con đường ở địa phương không phải chuyện lạ nhưng đây là lần đầu tiên cô chứng kiến voi phá tường và đi ăn trộm. Cô cho rằng những con voi đang tìm muối.
Một bài đăng trên Facebook của Cục Bảo tồn Công viên Quốc gia, Động vật Hoang dã và Thực vật của Thái Lan có giải thích rằng, con voi tìm vào bếp vì ngửi thấy mùi thức ăn: “Voi là động vật ăn cỏ nên chúng cần khoáng chất từ thức ăn mặn, rất cần thiết cho cơ thể chúng và sẽ cố gắng tìm kiếm bất kỳ khoáng sản nào, ở bất kỳ đâu”.
Ngôi nhà của cô Ratchadawan cũng nằm gần lối vào của một công viên quốc gia nơi có số lượng lớn voi sinh sống nên những sự cố như vậy không phải là hiếm và thường gia tăng trong mùa thu hoạch trái cây. Thậm chí những con voi ở đây từng đến để quần nát một kho chứa hoa quả nhỏ của người dân địa phương.
Điều này chỉ cho thấy một điều: Xung đột giữa voi và con người đang gia tăng, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Ấn Độ và những nơi khác trên khắp châu Á.
Khi các khu định cư của con người và cơ sở hạ tầng mở rộng, môi trường sống của động vật hoang dã bị thu hẹp. Các loài động vật phải sống trong các cánh rừng nhỏ hơn và có ít tài nguyên hơn, điều này buộc chúng phải đi lang thang để tìm kiếm thức ăn.
Thiệt hại mà voi gây ra không chỉ giới hạn ở cây trồng mà còn bao gồm các loại tài sản khác như đường ống nước và bể chứa nước. Voi cũng khiến cho khoảng 500 người ở Ấn Độ chết mỗi năm.
Xung đột giữa người và voi đang gia tăng là mối đe dọa lớn đối với tương lai của loài voi châu Á.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí PLOS One về voi ở miền tây Thái Lan, cho biết rằng mặc dù việc xâm lấn môi trường hoang dã có nguyên nhân ban đầu là việc bảo tồn voi lâu dài, nhưng phần lớn khu vực này lại đang sử dụng cho nông nghiệp, đường sá và các hoạt động phát triển khác của con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận