Trong toạ đàm trực tuyến của các nhà làm phim Việt với chủ đề Ai góp ý giơ tay lên diễn ra chiều 26-9, nhà sản xuất - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bàn về điều luật cấm "tiết lộ đời tư cá nhân" trong dự thảo Luật điện ảnh.
Phan Gia Nhật Linh lấy ví dụ thực tế do chính anh trải nghiệm khi sản xuất Tiệc trăng máu. Theo đó, trong phim, nhân vật Phan Bất Bình do Thái Hoà đóng có hai câu thoại: "Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả!" hay "Đẹp như Ngọc Trinh" cũng khiến ekip phim "gặp khó" khi xin kiểm duyệt.
Hội đồng kiểm duyệt yêu cầu ekip phải liên lạc xin ý kiến của Ngô Thanh Vân hay có chữ ký xác nhận của Ngọc Trinh rồi mới được dùng hai cái tên đó.
Anh cũng so sánh sự vô lý này với những trải nghiệm làm phim của chính mình tại Mỹ rằng, mọi người đều có quyền làm phim về nhân vật có thật, miễn không vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc áp dụng bộ luật khác chứ không phải Luật điện ảnh.
Tuy nhiên đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống "dở khóc dở cười" mà nhà làm phim Việt gặp phải khi đi kiểm duyệt.
Trong toạ đàm trực tuyến kéo dài năm tiếng, các đạo diễn, nhà sản xuất phim có tiếng tăm đề cập đến nhiều khía cạnh, trở ngại trong quá trình xin cấp phép cho phim ra rạp như: thời lượng cảnh nóng, khoả thân, nội dung bạo lực, phản cảm,... đều không có quy định hay cơ sở lý luận rõ ràng khiến họ như rơi vào mê cung.
Phim Vị (Taste) - một trong những tác phẩm điện ảnh gây xôn xao khi bị Hội đồng kiểm duyệt "đánh rớt" nhưng lại đại giải tại Liên hoan phim Berlin sau đó. Hiện tại, sau nhiều tranh luận, nhà sản xuất phim Vị buộc phải tìm đường để "đứa con tinh thần" của mình được công chiếu theo cách thay đổi quốc tịch.
Nhà sản xuất bộ phim, Đồng Thị Phương Thảo cho biết, hiện phim Vị không còn là phim Việt nữa mà đã mang quốc tịch Singapore. Dù bộ phim đã có thể phát hành nhưng đó vẫn là nỗi đau của người đã tạo ra tác phẩm này.
Từ nhiều ví dụ cũng như kinh nghiệm thực tế xót xa, các nhà làm phim đều đồng tình với nhận định rằng, bản thân nội dung các điều trong Luật điện ảnh không có vấn đề mà rắc rối nằm ở sự duy ý chí, góc nhìn của những người sử dụng luật.
Qua đó, các thành viên tham gia toạ đàm cũng bày tỏ Dự thảo Luật điện ảnh lần này cần đứng trên cương vị của người làm phim, khán giả để hoàn thiện và hữu dụng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận