Từ pháo đài Qaitbay ở Alexandria, quê hương nữ hoàng Cleopatra, xây dựng từ thế kỷ 15 trên tàn tích của một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại, cho tới Lâu đài Aït Benhaddou ở Ma-rốc, vong gác cho tuyến lữ hành giữa sa mạc Sahara và Marrakech, những công trình hoàng gia và quân sự ở Châu Phi xa xăm chưa bao giờ thiếu đi vẻ quyến rũ.
1. Lâu đài tại thành phố cổ Đại Zimbabwe, tỉnh Masvingo, đất nước Zimbabwe
Khi các nhà khảo cổ lần đầu tới khai quật thành phố cổ Đại Zimbabwe cuối thế kỷ 19 đầu 20, họ không chấp nhận được ý nghĩ thổ dân Châu Phi có thể xây dựng một pháo đài bằng đá uy nghi thế này. Nhưng họ đã sai khi cho rằng công trình này – bao gồm những tháp hình chóp, ban công và các cấu trúc độc thạch - chỉ có thể thuộc về người Ai Cập cổ đại hay của nữ hoàng Sheba. Ngày nay, phần đông các học giả và người dân Zimbabwe cho rằng việc xây dựng tại đây đã bắt đầu từ tận thế kỷ 11 bởi tổ tiên của người Shona ngày nay. Thành phố hoang tàn này đã từng là một trung tâm mua bán, với dân số khi cực thịnh lên tới 18.000 người. Những bức tường đá 5m được dựng lên hoàn toàn không dùng tới vữa.
2. Pháo đài Santa Cruz, thành phố Oran, Algeria
Lâu đài nằm ở trung tâm Pháo đàn Santa Cruz được bao bọc và che chở bởi 2,5 km tường do người Tây Ban Nha xây dựng. Với độ cao 450 mét so với mực nước biển, trên đỉnh núi Murdjadjo, theo năm tháng pháo đài đã liên tiếp bị thiệt hại từ những đạo quân xâm lược lẫn động đất. Năm 1847, người theo tín ngưỡng với hy vọng có thể chấm dứt đại dịch tiêu chảy đã cướp đi sinh mạng một nửa cư dân trong vùng đã mang một bức tượng Đức mẹ Maria tới chân pháo đài. Ngay sau đó xảy ra một cơn mưa thanh tẩy và chấm dứt đại dịch. Để tỏ lòng biết ơn , ngày nay Nhà thờ Santa Cruz vẫn còn sừng sững hiện diện tại đây.
Pháo đài Santa Cruz là một trong ba pháo đài tại Oran, thành phố biển phía Tây Bắc Algeria. Cả ba đều kết nối bằng những đường hầm xây dựng dưới lòng đất.
3. Pháo đài Ribat Monastir, thành phố Monastir, Tunisia
Pháo đài phòng thủ Ribat Monastir được xây nên vào năm 796 bởi tổng trấn Ifriqiya, thủ lĩnh vương triều Hồi giáo Abbas (Đại Thực), Harthama ibn A’yan. Ribat – lâu đài – là một trong những công trình phòng thủ lâu đời nhất được người Ả Rập xâm chiếm Bắc Phi xây dựng. Cùng với tư tưởng Hồi giáo, những người chiếm giữ Monastir mang theo mình một phong cách nghệ thuật và kiến trúc hồi giáo được khắc họa trên các bức tường bên trong pháo đài. Suốt thời Trung Cổ, công trình này mở thêm hai sân trong, hai ngôi đền, một cầu thang xoắn ốc và nhiều vọng gác nhìn ra vịnh Hammamet.
4. Pháo đài Aït Benhaddou, tỉnh Ouarzazate, Ma-rốc
Thoạt nhìn, tòa lâu đài cát bề thế này có thể bị lầm tưởng là một ảo ảnh lung linh mọc lên giữa con đường lữ hành lịch sử giữa sa mạc Sahara và Marrakech. Thế nhưng ngôi làng kiêm pháo đài Aït Benhaddou với nửa tá Kasbah bên trong hoàn toàn hiện hữu và có thật. Xây dựng ở chân đồi núi Atlas từ đầu thế kỷ 17, pháo đài Aït Benhaddou là một trong những ví dụ hùng hồn nhất của kiến trúc bằng đất miền nam Ma-rốc. Bên trong các bức tường phòng ngự là những ngôi nhà chen lấn nhau, với những tháp cao và motif gạch nung nhìn tựa như những tòa lâu đài nhỏ mọc trồi lên nền một khung cảnh xa lạ.
Nơi đây đã xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood như The Man Who Would Be King năm 1975, Xác ướp Ai Câp năm 1999, Võ sĩ giác đấu năm 2000 và gần đây nhất là nhiều cảnh quay trong Trò chơi Vương quyền.
Đón xem phần tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận